Tại Việt Nam, hằng năm, số người chết vì bệnh hen phế quản vào khoảng 3.000, so với con số chung trên toàn thế giới là 250.000. Chưa hết, chi phí điều trị cho bệnh này cũng trở thành gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị. Tuy nhiên, có những sự thật về căn bệnh này mà không phải ai cũng biết, ngay cả bản thân người bệnh.
Hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được!
Tuy không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh hen hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được. Điều này góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng qua các báo cáo cho thấy tỉ lệ lưu hành hen phế quản ở người trưởng thành Việt Nam (năm 2010) là 4,1%. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh hen phế quản cũng như cập nhật kiến thức về điều trị bệnh cho các cán bộ y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cần làm gì để “sống cùng bệnh hen”?
Phát biểu tại buổi phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày hen toàn cầu” vừa qua, PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM, cho biết: “Các nghiên cứu cho thấy đa số người mắc bệnh hen có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân hen lại nản lòng và bỏ dở điều trị. Đứng trước thách thức to lớn ấy, ngoài việc đầu tư phát triển, bảo đảm tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị hen ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhận thức người dân về bệnh hen, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh nói riêng và cả cộng đồng nói chung”.
Ngoài ra, bệnh nhân hen suyễn cần kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ. Bệnh nhân cũng cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây ra triệu chứng bệnh trong môi trường như tránh trực tiếp tiếp xúc với bụi, khói, nhất là thuốc lá và các chất kích thích, tránh hoạt động thể lực mạnh và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành, khi xịt nước hoa, thuốc muỗi cần tránh xa để người bị hen không phải tiếp xúc, không cho trẻ ôm thú cưng, thú nhồi bông vì lông có thể ảnh hưởng đến hô hấp...
Là đơn vị đồng hành cùng Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM, Trưởng Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline Pte. Ltd. (GSK) tại TP HCM, ông James Strenner, chia sẻ: “GSK rất hân hạnh cùng Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng cùng chung tay hưởng ứng “Ngày hen toàn cầu”, góp phần đẩy lùi bệnh hen tại Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, GSK luôn nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển, nhằm bảo đảm những bệnh nhân hen có thể tiếp cận với sản phẩm thuốc hô hấp của chúng tôi một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng góp phần tạo nên những đột phá mới trong phương thức điều trị cho các bệnh nhân hen, nhằm cải thiện tình trạng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống”.
“Ngày hen toàn cầu” đầu tiên được chương trình Khởi động hen toàn cầu (GINA) tổ chức vào năm 1998, có 35 nước hưởng ứng. Đến năm 2005, đã có tới 100 nước hưởng ứng. Điều này cho thấy đây được xem là hoạt động quan trọng trong việc giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức về bệnh hen phế quản trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng do Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM và Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline Pte. Ltd. tại TP HCM phối hợp thực hiện.