Theo các chuyên gia về sức khỏe, thời lượng ngủ cần thiết của người trưởng thành thường là 7-9 giờ, một số người cần khoảng 6 giờ. Nếu ngủ dưới 5 giờ/ngày, cơ thể sẽ gặp nhiều mối đe dọa về sức khỏe. Chưa kể tuổi tác ngày một tăng cũng đồng nghĩa với sự tích lũy các độc chất, các gốc tự do trong cơ thể con người, gây tác động nguy hại đến hệ thần kinh, hệ mạch máu khiến cấu trúc giấc ngủ dần thay đổi.
Rối loạn giấc ngủ dễ bị tổn thương não
Nhiều nghiên cứu cho thấy đến 80% người bị rối loạn giấc ngủ có trạng thái tổn thương vùng não với những biểu hiện như đau đầu, giảm năng suất làm việc, suy giảm trí nhớ và lâu ngày dẫn tới suy kiệt toàn bộ cơ thể. Mất ngủ buộc cơ thể phải huy động nhiều nguồn năng lượng và sinh ra rất nhiều gốc tự do gây hại lên tế bào thần kinh. Vì vậy, mất ngủ bản thân nó làm cho chứng bệnh này ngày càng nặng thêm.
Theo thông tin được công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tăng huyết áp Mỹ, những người chỉ ngủ được dưới 5 giờ/đêm làm tăng 83% nguy cơ tai biến mạch máu não so với người ngủ đủ 7-8 giờ/đêm. Các nhà khoa học cho rằng mất ngủ liên quan chặt chẽ đến tình trạng stress, căng thẳng làm tăng sinh quá mức gốc tự do.
Những gốc tự do này tấn công hầu hết các cơ quan trong cơ thể và tập trung nhiều nhất ở mạch máu làm thúc đẩy sự hình thành mảng xơ vữa và huyết khối. Điều này gây cản trở dòng máu vận chuyển ôxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến các rối loạn tại não bộ đây là lý do chính gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ. Các mảng xơ vữa ngày càng nhiều làm hẹp gần như hoàn toàn lòng mạch; mặt khác, các mảng xơ vữa này bong ra kết hợp với tiểu cầu tạo thành những cục máu đông gây tắc các mạch máu cản trở lưu lượng máu lên não làm thiếu máu nuôi dưỡng phần não phía sau hoặc gây vỡ mạch máu khiến máu tràn ra vùng não xung quanh dẫn đến tình trạng đột quỵ.
Một giấc ngủ sâu và ngon giấc rất có lợi cho sức khỏe Ảnh: Internet
Dấu hiệu của bệnh tâm thần
Mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể người ta chỉ mất ngủ trong 1-2 ngày, thường do lạ chỗ, chưa thích nghi với môi trường mới... Đây là kiểu mất ngủ bình thường. Mất ngủ 4-7 ngày thường do yếu tố tâm lý, bị ảnh hưởng của stress trong cuộc sống. Ví dụ như stress do yếu tố kinh tế, gia đình hoặc môi trường xã hội dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột...
Nếu giải quyết được các nguyên nhân stress này sẽ không còn mất ngủ. Riêng mất ngủ kéo dài từ trên một tuần, vài tuần đến vài tháng cần phải được khảo sát xem có bệnh lý gì kèm theo không. Các bệnh lý kèm theo có thể là bệnh nội khoa hoặc bệnh tâm thần như rối loạn khí sắc, trầm cảm, động kinh trong giấc ngủ. Và mất ngủ cũng là dấu hiệu báo trước của một số bệnh tâm thần.
Thực tế cho thấy để cải thiện tình trạng mất ngủ 1 năm, bệnh nhân phải điều trị ít nhất 3 năm mới điều chỉnh lại được giấc ngủ và các hoạt động của não cũng như toàn cơ thể. Do đó, để có giấc ngủ tốt về thời lượng cũng như chất lượng, bạn cần hạn chế căng thẳng, sử dụng các thức uống có cồn hay chứa caffein cách xa giờ ngủ, không tiếp xúc các thiết bị điện tử như: điện thoại, máy tính, tivi… khi lên giường, phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào mặt…
Cần làm gì để có giấc ngủ ngon?
Để có thể tìm lại giấc ngủ sinh lý và phòng ngừa hữu hiệu nguy cơ đột quỵ do mất ngủ mạn tính gây ra, các chuyên gia đưa ra lời khuyên sau:
- Thức dậy đúng giờ vào mỗi sáng.
- Không ăn thực phẩm có quá nhiều đường hay protein ngay trước giờ đi ngủ.
- Không uống các thức uống có chứa caffein vào buổi tối.
- Nên uống sữa ấm hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ. Đây là cách thư giãn hiệu quả giúp bạn có thể nhanh chóng đi vào giấc ngủ sâu và ngon giấc.
- Không nên ngủ trưa quá 30 phút.
- Điều chỉnh ánh sáng phòng ngủ cho phù hợp.
- Tập thể dục vào mỗi buổi sáng...