Khi phụ nữ ngày càng lớn tuổi hơn, chất lượng trứng suy giảm, có thể kèm theo những bất thường về nhiễm sắc thể và sau khi mãn kinh, trứng không còn rụng nữa. Do đó, nếu muốn có con nhưng đang ở vào lúc chưa sẵn sàng, người phụ nữ có thể cân nhắc đông lạnh trứng để sử dụng sau này khi có đủ điều kiện.
Đông lạnh trứng như thế nào?
Trước khi tiến trình đông lạnh trứng bắt đầu, bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện về khả năng sinh sản, xem xét chu kỳ kinh nguyệt và mức độ hormone trong máu. Buồng trứng chỉ rụng 1 trứng/tháng nhưng khi đông lạnh càng ít trứng thì cơ hội mang thai thành công càng ít. Do đó, người phụ nữ cần có số trứng đông lạnh tối đa và họ cần được trị liệu hormone để kích thích buồng trứng rụng nhiều trứng hơn. Cách trị liệu này đòi hỏi họ phải tự tiêm hormone tại nhà từ 1 đến 3 lần/ngày. Hầu hết phụ nữ cũng phải cần dùng thuốc ngừa thai ít nhất 1 tháng trước khi bắt đầu tiêm hormone. Điều này khống chế chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên và giúp tăng cường hoạt động của hormone được tiêm vào sau đó.
Bác sĩ phải xét nghiệm máu nhằm xem xét tác dụng hormone đồng thời người phụ nữ phải trải qua siêu âm ít nhất 1 lần để phát hiện rụng trứng và xem xét trứng phát triển. Đến khi trứng chín, bác sĩ sẽ đưa kim tiêm vào nang buồng trứng của người phụ nữ để lấy trứng. Cần rạch một đường nhỏ nơi bụng để đưa kim vào rút trứng. Thông thường, bác sĩ dùng siêu âm để hướng dẫn quá trình này nhưng nếu trứng không nhìn thấy được qua siêu âm, phẫu thuật bất thường sẽ được áp dụng để lấy trứng. Khi được lấy ra khỏi cơ thể, trứng phải được đông lạnh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trứng được phủ đầy nước và nếu đông thành đá ngay, trứng có thể bị tổn hại cho nên thầy thuốc phải tiêm vào một dung dịch đặc biệt trước khi đông lạnh.
Những vấn đề cần cân nhắc
Đến lúc người phụ nữ sẵn sàng sinh con, trứng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại phòng thí nghiệm với tinh trùng của người bạn đời hoặc người hiến tặng. Nếu quá trình này diễn tiến tốt, trứng và tinh trùng sẽ phát triển thành phôi, rồi phôi sẽ được đặt lại vào tử cung của người phụ nữ vài ngày sau đó. Thông thường, bệnh viện phụ sản nuôi giữ một lần vài phôi để tăng cơ hội mang thai thành công. Phụ nữ trẻ thường dễ mang thai hơn. Hầu hết bệnh viện chỉ nhận đông lạnh trứng trong độ tuổi dưới 40, có nơi chấp nhận hơn 40 tuổi nhưng ít có bệnh viện đông lạnh trứng người ở tuổi 45 hoặc hơn. Hiện tỉ lệ cơ hội đông lạnh trứng dễn đến sinh con chỉ trong khoảng từ 2% đến 12% và có thể thụ tinh trong ống nghiệm vài lần nếu lần đầu không thành công. Với tỉ lệ sinh con thấp như vậy nhưng vẫn có phụ nữ muốn đông lạnh trứng. Thông thường, có những lý do về cuộc sống khiến họ trì hoãn sinh con như sự nghiệp, học hành hoặc do người bạn đời không đồng ý... Tuy nhiên, cũng có vài nguyên nhân về tình trạng sức khỏe không thể sinh con ngay như đang điều trị ung thư, bệnh nhiễm trùng và một số lý do khác khiến người phụ nữ phải điều trị xong mới có thể sinh con nên cần đông lạnh trứng. Mức độ mang thai thành công ở những trường hợp bệnh tật này thấp hơn so với phụ nữ khỏe mạnh.
Sau khi lấy trứng, một số người có thể bị đau bụng, đầy hơi hoặc rỉ máu âm đạo. Một vài tác dụng không mong muốn khác như lên cân, sưng phù và nhức đầu mà nguyên nhân là do tiêm thêm hormone. Trường hợp hiếm gặp là hội chứng quá kích buồng trứng (HSS) với những triệu chứng như đau, buồn nôn và tăng cân rất nhanh (có thể lên 15-20 kg trong vài ngày). Một vài nghiên cứu đã nêu nguy cơ ung thư buồng trứng cao như một trong những khả năng gây biến chứng lâu dài của biện pháp này. Đông lạnh trứng là ngăn trứng già đi và do vậy, trứng đông lạnh trong vòng vài năm về nguyên tắc sẽ khỏe mạnh hơn so với trứng lúc đã lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, những nghiên cứu cho đến nay chỉ quan sát trứng đã được đông lạnh trong thời gian ngắn và hiện chưa rõ thời gian trữ đông có thể kéo dài bao lâu. Một biện pháp khác được giới chuyên môn khuyến nghị: Nếu người phụ nữ đã có sẵn bạn đời hoặc có sẵn tinh trùng được hiến tặng thì nên đông lạnh phôi vì phôi dễ tồn tại hơn, cả khi đông lạnh cũng như đã tan chảy và dễ có kết quả đậu thai hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lấy trứng đông lạnh: Tuổi cao, tuổi cao khi trứng được rả đông và thụ tinh trong ống nghiệm, chất lượng tinh trùng, số lượng trứng được đông lạnh.