Để phát triển chiều cao một cách tối ưu, cần nắm rõ những thời điểm nào là thời điểm vàng cơ thể tăng trưởng chiều cao một cách nhanh nhất, có kế hoạch chăm sóc trẻ phù hợp cho từng giai đoạn từ khi còn là bào thai đến khi trẻ trưởng thành.
Ba giai đoạn phát triển chiều cao vượt trội
Giai đoạn bào thai: Trong 9 tháng mang thai, nếu người mẹ ăn uống tốt, tăng đủ từ 10-15 kg thì con sẽ đạt được chiều cao từ 50 cm trở lên và có cân nặng khoảng 3 kg lúc chào đời.
Giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi: Là giai đoạn phát triển chiều cao một cách mạnh mẽ nhất. Theo đó, trong 12 tháng đầu trẻ có thể tăng 25 cm; 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10 cm nếu được nuôi dưỡng tốt.
Giai đoạn dậy thì (con gái từ 10-16 tuổi, con trai từ 12-18 tuổi): Cơ thể sẽ có 1-2 năm ngay trước dậy thì (gọi là tiền dậy thì) chiều cao tăng vọt từ 8-12 cm mỗi năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm, tổng cộng số tăng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của thời kỳ dậy thì.
Hãy giúp con cao lớn vượt trội trong giai đoạn vàng cuối cùng này bằng: Dinh dưỡng đúng
Cung cấp đầy đủ năng luợng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ trong giai đoạn phát triển vượt trội này.
Chú ý các vi chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao như canxi, kẽm, vitamin A, vitamin D... Canxi có nhiều trong sữa, cua, ốc, tôm, tép, đậu nành và các loại rau, trong đó sữa là quan trọng nhất vì canxi trong sữa dễ hấp thu do có vitamin D và phospho với tỉ lệ hợp lý. Sữa cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao. Vitamin A có nhiều trong sữa, trứng, cá, gan, thịt... Kẽm có trong con hàu, gan heo, thịt bò, sữa, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành...
Nên:
- Ăn phối hợp, đa dạng, trên 20 thực phẩm mỗi ngày; ăn đủ đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ..., chú ý uống đủ sữa theo độ tuổi, ăn nhiều rau, trái cây.
- Ăn uống điều độ, ngày 3 bữa chính, 2-3 bữa phụ, không bỏ bữa sáng.
- Uống đủ nước.
Không nên:
- Ăn thức ăn nhanh, thức ăn đường phố.
- Ăn nhiều bánh kẹo ngọt, nước ngọt, nước uống có ga.
- Không hút thuốc lá, bia, rượu, cà phê, trà đặc...
Vận động, rèn luyện thể dục, thể thao
Khuyến khích trẻ có lối sống năng động, tập thể dục thể thao thường xuyên, chú ý các môn thể thao giúp tăng chiều cao như đạp xe, bóng rổ, cầu lông, bơi lội, đu xà...
Ngủ đủ giấc
Ngủ sớm trước 22 giờ, hormon tăng trưởng sẽ tiết ra nhiều nhất nếu trẻ ngủ sâu trong khoảng thời gian từ 23 giờ trở đi, kích thích xương dài ra.
Để cải thiện tầm vóc, cần chú trọng yếu tố dinh dưỡng cho trẻ càng sớm càng tốt, ngay từ khi bà mẹ bắt đầu có thai, tiếp tục trong suốt quá trình tiếp theo đến khi trẻ trưởng thành, đặc biệt chú ý trong giai đoạn tiền dậy thì, dinh dưỡng cho giai đoạn vàng để phát triển chiều cao.
Ở lứa tuổi 5-12 tuổi, trẻ cần được bảo đảm năng lượng đáp ứng cho nhu cầu vận động, học tập ngày một tăng. Đây cũng là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển chiều cao tối ưu. Do đó, cùng với nguồn dinh dưỡng bảo đảm năng lượng hằng ngày, các em cần được tăng cường thêm canxi, vitamin D, A, vitamin nhóm B và các khoáng chất thiết yếu như phốt pho, kẽm... |
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt (PCT HĐQT Công ty NutiFood)