Trong bệnh gút, tình trạng viêm xảy ra do các tinh thể nhỏ của một chất gọi là axít uric lắng đọng trong khớp, đó là tinh thể muối urát. Có nhiều nguy cơ lắng đọng muối urat nếu nồng độ axít uric cao trong cơ thể. Tuy nhiên, hội chứng tăng axít uric và bệnh gút là 2 vấn đề cần phân biệt dù chúng có liên hệ chặt chẽ với nhau. Axít uric là một chất thải hình thành bởi sự phá hủy tự nhiên chất purin trong cơ thể (chất purin có trong các tế bào của cơ thể). Thói quen ăn nhậu, dinh dưỡng không phù hợp không chỉ làm tăng hàm lượng purin mà còn là nguồn chuyển hóa dở dang tạo ra vô số gốc tự do, chu chuyển lang thang trong cơ thể và sẵn sàng gắn vào bất kỳ gien nào có nguy cơ biến đổi.
Trong đông y có rất nhiều loại dược thảo có thể hỗ trợ điều trị gút Ảnh: DAILYMAIL
Có thể nói, gút là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng axít uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp. Đa phần bệnh nhân khi điều trị dứt được cơn đau đều tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển bên trong. Nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều và nặng hơn. Ở giai đoạn muộn, có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt tophi (tiếng Anh là topus) xung quanh khớp, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.
Đàn ông có nhiều khả năng mắc bệnh gút hơn phụ nữ vì các gien bị trục trặc thường có ở nam. Tuy nhiên, phụ nữ có nam tính mạnh cũng vẫn mắc gút như thường. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm béo phì, tiền sử gia đình, bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu và sử dụng một số thuốc (aspirin, thuốc lợi tiểu).
Trong đông y có rất nhiều loại dược thảo có thể hỗ trợ điều trị gút và tùy tình trạng, cơ địa của mỗi bệnh nhân mà có thể cân đối sử dụng liều lượng, phối hợp trị liệu. Một trong số những bài thuốc đông y được dùng để trị bệnh gút là dùng lá trầu và nước dừa.
Cách dùng: Mỗi sáng thức dậy dùng 100 g lá trầu tươi, xắt nhuyễn, ngâm vào trong một trái dừa xiêm vừa vạt nắp gáo. Nên chắt bớt một chút nước dừa ra để khỏi bị tràn khi cho lá trầu nhuyễn vào, sau đó đậy nắp lại và ngâm đúng 30 phút rồi uống. Không ăn sáng ngay mà chờ đến khi nước dừa, trầu được cơ thể hấp thu hoàn toàn, đợi đến sau khi đi tiểu trở lại mới ăn sáng. Làm như vậy trong vòng 1 tuần thì các cơn đau nhức do bệnh gút về đêm sẽ giảm hẳn. Người bệnh có thể ngủ ngon một mạch đến sáng và cảm thấy đầu óc tươi tỉnh, dễ chịu. Cần phải uống 1 tháng liên tục để có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh.
Bác sĩ Bồng Trung Hoàng