Ăn chay nói chung là chế độ ăn chủ yếu gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, trong đó có nhiều dạng khác nhau. Có thể là dạng thuần thực vật (các loại rau quả, hạt), kiêng thịt, cá, sữa, trứng, mật ong. Bên cạnh đó là các dạng khác có thể dùng thêm một hay hơn một loại trong số các thực phẩm nói trên nhưng hoàn toàn không có thịt.
Giảm nguy cơ bệnh tật
Nhiều nghiên cứu đã nói lên lợi ích cho sức khỏe của chế độ ăn chay và ngược lại cũng có nghiên cứu nêu tác dụng tiêu cực. Một khảo sát của các nhà khoa học Áo tại ĐH Y khoa Graz được công bố trên Tạp chí PLOS ONE hồi năm 2014 nêu khả năng chế độ ăn thuần chay có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, ung thư và rối loạn tâm thần do thiếu những chất dinh dưỡng thiết yếu từ thức ăn có nguồn gốc động vật.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới được công bố trên tờ Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics, chuyên gia dinh dưỡng Susan Levin và cộng sự thuộc Viện Hàn lâm dinh dưỡng và ăn kiêng Mỹ (AND) đã thu thập nhiều khảo sát về lợi ích của chế độ ăn chay từ năm 2009 đến nay, nêu thêm chứng cứ mới về tác dụng phòng bệnh của chế độ ăn bao gồm rau, củ, quả và hạt. Theo đó, chế độ ăn chay có thể kéo giảm 35% nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt và 18% các dạng ung thư nói chung. Ăn chay cũng có thể kéo giảm 32% nguy cơ bị cơn đau tim và từ 10% đến 29% nguy cơ bệnh tim. Hơn thế nữa, chế độ ăn thực vật có thể kéo giảm 62% nguy cơ đái tháo đường type 2. Người phát ngôn của AND Vandana Sheth lưu ý: “Những người tuân thủ chế độ ăn thực vật có chỉ số thể hình (BMI) thấp, kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu tốt hơn, ít bị viêm và lượng cholesterol xấu trong máu thấp. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ăn kiêng để có thể lựa chọn chế độ ăn chay thích hợp”.
Nhóm tác giả còn cho rằng ăn chay có lợi ích đáng kể cho trẻ em và thanh thiếu niên ở tuổi trẻ và thời gian lâu dài về sau, với lập luận rằng trẻ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật ít bị béo phì và dư cân so với trẻ ăn nhiều thịt. Họ khuyến nghị: “Trẻ em và thiếu niên có BMI ở mức trung bình cũng ít có nguy cơ bệnh tật giống như người lớn với BMI trung bình. Những lợi ích khác là trẻ ăn nhiều rau, quả, hạt, thường ít ăn kẹo và các loại snack có vị mặn, khiến các em ít tiêu thụ chất béo nói chung và chất béo bão hòa. Duy trì chế độ ăn thực vật cân bằng giúp trẻ sớm xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh”.
Giúp bảo vệ môi trường
Nghiên cứu cũng nêu thêm chứng cứ về lợi ích trong bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn tài nguyên và ít gây hiệu ứng nhà kính khi có đông người ăn chay. Các phân tích nêu khả năng chế độ ăn gồm nhiều thực vật có thể giảm thiểu 29% và ăn thuần chay có thể kéo giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Họ lý giải rằng chế độ ăn thực vật sử dụng ít nước, nguồn nhiên liệu hóa thạch, thuốc diệt côn trùng và phân bón hơn chế độ ăn nhiều thịt. Một thí dụ được dẫn chứng là sản xuất 1 kg đạm từ đậu thận đòi hỏi ít hơn 18 lần nhu cầu về đất; ít hơn 10 lần nhu cầu về nước, ít hơn 9 lần về nhiên liệu, ít hơn 12 lần phân bón, ít hơn 10 lần thuốc diệt côn trùng so với sản xuất 1 kg thịt bò.
Để kết luận, nhóm tác giả cho rằng ăn chay là chế độ dinh dưỡng trong nhiều trường hợp tốt hơn cả dùng thuốc vì không có loại thuốc nào có thể đồng thời giúp tăng cường sự chuyển hóa trong cơ thể, hạ huyết áp, ổn định đường trong máu, kéo giảm nguy cơ bệnh tim và đái tháo đường.
Đạm thực vật giúp sống thọ hơn
Hai khảo sát quy mô lớn của các nhà khoa học Mỹ được công bố chung trên tạp chí JAMA Internal Medicine, trong đó một công trình căn cứ trên dữ liệu y tế của 170.000 người trong 30 năm và khảo sát kia liên quan đến 3,5 triệu người trong vòng 26 năm, nêu khả năng ăn chay giúp sống lâu. Kết quả phân tích đều cho thấy tỉ lệ tử vong ở nhóm người tiêu thụ đạm động vật cao hơn so với nhóm người tiêu thụ đạm thực vật.
Đồng tác giả khảo sát Mingyang Song thông báo: “Phát hiện của chúng tôi gợi ý với mọi người rằng nên chú trọng dùng đạm thực vật hơn đạm động vật và những nghiên cứu tiếp theo có thể giải thích cơ chế về tác dụng khác biệt giữa hai dạng protein này”.