Họa sĩ Ngọc Linh, học trò của cố họa sĩ Bùi Trang Chước, cũng vừa có đơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho họa sĩ tài năng nhưng chịu nhiều thiệt thòi này.
Nghệ sĩ chân chính
Theo họa sĩ - NSƯT Ngọc Linh, cố họa sĩ Bùi Trang Chước có bề dày sáng tác thật ấn tượng. Ông là tác giả đích thực của Quốc huy Việt Nam, là tác giả của Biểu trưng Tổng Công đoàn nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tác giả của các mẫu huân - huy chương chủ chốt của Nhà nước, trong đó có Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Chiến sĩ thi đua yêu nước…, tác giả của rất nhiều bộ tem quý giá trong đó có bộ tem đắt nhất Việt Nam – bộ tem Anh hùng Mạc Thị Bưởi. Ông là một trong những họa sĩ vẽ những con tem đầu tiên cho ngành bưu chính và những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra, những tác phẩm hội họa của ông như Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Vịnh Hạ Long… là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Ảnh do gia đình cung cấp
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi tham dự triển lãm đầu tiên của họa sĩ Bùi Trang Chước đã từng viết: “ Sáng tạo làm ra những tác phẩm của cá nhân nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ lại không nghĩ rằng đó là “của báu” dành riêng cho mình, mà cái lớn hơn là đem cống hiến cho đời, cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa của dân tộc. Bùi Trang Chước xứng đáng là một họa sĩ, nghệ sĩ chân chính, người đời mãi mãi trân trọng và ngưỡng mộ nhân cách đó của họa sĩ”.
Không đủ phiếu tín nhiệm ?!
Danh họa Bùi Trang Chước đã có một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, không màng đến lợi danh, dâng hiến hết mình cho nghệ thuật. Mấy chục năm trời, do nhầm lẫn, nhiều người vẫn cho rằng tác giả Quốc huy là họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ông im lặng, mãi cho đến gần cuối đời họa sĩ mới viết lại câu chuyện về hành trình “Tôi vẽ Quốc huy” với mục đích để con cháu sau này biết được những việc làm của cha mình. Bức thư và 15 mẫu vẽ Quốc huy được họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ từ năm 1953-1955 cùng với các tài liệu khác có liên quan đã được Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giám định cùng với một hội đồng các nhà chuyên môn được thành lập để xác định ai là tác giả đích thực của Quốc huy đã được Cục Bản quyền tổ chức. Đến tháng 9-2004, Bộ VHTT đã có công văn chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tác giả Quốc huy Việt Nam, trong đó có đoạn: “Mẫu Quốc huy là một cống hiến chung của giới mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt.
Các tác phẩm của Cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Ảnh do gia đình cung cấp
Được đánh giá là một trong những danh họa bậc thầy của Việt Nam nhưng cho đến nay, cố họa sĩ Bùi Trang Chước không hề có một giải thưởng nào. Ông chưa một lần được vinh danh, chưa được Nhà nước công nhận những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp phát triển của nền nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Trong đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2006 cũng như lần này, ông đều bị loại vì chưa đủ số phiếu bầu của Hội đồng xét giải cấp cơ sở, dù những tác phẩm tham gia xét giải đều rất nổi tiếng với đông đảo người Việt Nam.
Họa sĩ Ngọc Linh đặt câu hỏi: Với người đã có cống hiến lớn lao cho Nhà nước và là tác giả của những tác phẩm giá trị rất cao về nghệ thuật để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của đất nước, theo đúng hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì căn cứ vào đâu hay thiếu tiêu chuẩn gì mà Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam lại không bỏ phiếu cho cố họa sĩ tài năng này? Ông khẳng định người nghệ sĩ có công cần được ghi nhận và đền đáp, ngay cả khi việc ghi nhận cho người nghệ sĩ đã khuất chỉ là một việc làm mang giá trị tinh thần.
Họa sĩ đồ họa số 1
Trong giới nghệ sĩ Việt Nam, cố họa sĩ Bùi Trang Chước được phong là họa sĩ đồ họa số 1. Với các tổ chức quốc tế, ông được công nhận là một nhân tài, được Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge của Liên hiệp Vương quốc Anh vinh danh vì sự nghiệp cống hiến của ông trong hội họa, có tên trong danh sách “Danh nhân quốc tế” của Tổ chức Who’s Who xuất bản lần thứ 13 (năm 1999), và trong danh sách “Những người xuất chúng vì quốc tế” xuất bản lần thứ 7 (năm 1998). |