Đêm nay, 6-5, tại sân khấu Trung tâm Hội nghị White Palace, các thí sinh cuộc thi Tiếng hát mãi xanh do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức, sẽ có đêm gala giao lưu. Các thí sinh sẽ được trình diễn chung với nhiều ca sĩ nổi tiếng, như Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng… |
Cậu con trai đầu của bà Hoàng Ngọc Ánh thì kiên quyết đưa mẹ đi ăn nhà hàng để mẹ khỏi mất thời gian vào bếp. Đám học trò vừa gặp bà đã tíu tít: “Cô ơi, cô hát hay quá! Lâu rồi sao không thấy cô về trường?”.
Muốn mẹ được thỏa niềm đam mê, trước đó, con gái thứ hai của bà Ánh thuyết phục và tự mình đi đăng ký dự thi cho mẹ. Dù bận cách mấy cô cũng gác lại, tất tả từ Phan Thiết về cổ vũ cho mẹ ở mỗi đêm thi để rồi sáng hôm sau lại hối hả thuê xe trở lại nơi làm. Bà Ánh thi trên sân khấu nhưng phía dưới, nơi hàng ghế khán giả, con gái bà hồi hộp dõi theo từng hơi thở, lời ca của mẹ.
“Ba dự thi bài nào, cả nhà thuộc lòng bài đó. Mỗi lúc ba tập là y như rằng cả dàn đồng ca (mẹ và các con) hòa theo” - cô con gái “rượu” của thí sinh Nguyễn Thanh Vân ở bảng trên 50 tuổi cho biết như vậy. Từ lúc ông Vân dự thi, mọi công việc nhà bà xã và các con không để ông động tay vào. Ai cũng muốn dành thật nhiều thời gian cho ông tập hát. Gia đình bé nhỏ của ông bỗng đầy ắp tiếng hát, tiếng cười.
Khi ông hát trên sân khấu, y như rằng phía dưới khán đài, “dàn đồng ca gia đình” cùng hòa nhịp. Đó là chưa kể những cuộc điện thoại bất ngờ từ những người bạn mấy chục năm rồi không gặp nhau, chợt nhận ra ông trên sóng truyền hình trực tiếp.
Với giọng ca trời phú, thuở còn trẻ, bà Nguyễn Thục Duyên nhận được không ít lời mời tham gia các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng vì muốn toàn tâm toàn ý với gia đình, bà đành gác lại niềm đam mê của mình. Giờ đây, sau khi hoàn thành trách nhiệm với gia đình, bà lại có dịp được sống cho niềm đam mê của mình từ thuở nào.
“Hát trước mặt các con trai, mình mắc cỡ lắm. Đợi khi các con đi làm mình mới tập hát”- bà Duyên tiết lộ. Hiểu được niềm đam mê của mẹ, các con của bà tự phân công nhau, người rửa chén, người lau nhà, người giặt đồ, lo cơm nước...
“Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để chăm lo cho bốn bố con mình, đây là lúc mẹ được sống cho niềm đam mê đó” - Nghĩa, cậu con trai út của bà Thục Duyên, hiện đang làm việc ở bộ phận kinh doanh quốc tế của Công ty Giày An Lạc, chia sẻ.
Cơm áo không đùa...
Không phải ai trong số những thí sinh có máu đam mê ca hát này cũng có cuộc sống tươm tất. Không ít người phải tính toán chi li sao cho cuộc chơi này ít tốn kém nhất vì các thí sinh phải tự lo chi phí về ăn ở, đi lại trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi.
Để theo suốt cuộc thi, gần một tháng trời, cụ Lê Thị Nhung, cư trú tại Đồng Nai, phải ở nhờ phòng trọ của cháu họ thuê ở quận Tân Bình - TPHCM (bạn cùng phòng của cô phải nhường cho cụ để ra ngoài tìm nơi khác tá túc). Do cụ tuổi cao, sức yếu lại bị bệnh huyết áp nên chị Đào (con gái) tình nguyện đi theo chăm sóc mẹ. Tính ra, chi phí bình quân ăn uống, đi lại của cả hai mẹ con hết khoảng 300.000 đồng/ ngày.
Chị Đào vốn làm phụ việc cho một quán cơm ở Đồng Nai với mức lương 3 triệu đồng/tháng, chồng thường xuyên đau yếu, thu nhập của gia đình chỉ dựa chủ yếu vào đồng lương của chị. Đưa mẹ đi, đồng nghĩa với việc chị phải nghỉ làm, nguồn thu nhập của gia đình cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Chị nói: “Cuộc đời của bà quá vất vả, một mình nuôi 8 người con khôn lớn nên chỉ cần mẹ vui là mình vui rồi”.
Các con cụ tình nguyện mỗi người góp một ít để chị Đào có thêm tiền chăm sóc mẹ trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi. Cũng may, 3 đêm diễn vừa qua, cụ giành được giải Khán giả yêu thích, có thêm 15 triệu đồng tiền thưởng để lo chi phí.
Còn chị Trần Thị Kim Loan, chủ vựa trái cây ở Đồng Nai, cho biết công việc của chị một năm chỉ làm được có 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7) khi trái cây vào vụ. Thời gian thi Tiếng hát mãi xanh cũng là lúc trái cây vào mùa nhưng để theo suốt cuộc thi, mọi công việc mua bán chị đành gác lại.
Ba đứa con của chị, lớn nhất 15 tuổi, còn nhỏ nhất năm nay mới 7 tuổi, chị phải để lại nhà cho chồng chăm sóc. Trong thời gian dự thi, chị thuê phòng của một khách sạn bình dân gần Đài Truyền hình TPHCM, để tiết kiệm chi phí đi lại, với giá 250.000 đồng/ngày, chưa kể chuyện ăn uống, sinh hoạt.
Thu nhập chủ yếu của thí sinh Trương Thị Quang Sang và Phạm Anh Trường chủ yếu nhờ vào thù lao đi hát ở các nhà hàng tiệc cưới mỗi đêm. Nguồn thu nhập bấp bênh ấy không đủ trang trải chi phí thuê nhà, ăn mặc, rồi còn chăm sóc mẹ già nên buộc chồng của Quang Sang phải ôm đàn phục vụ cho nhà hàng mỗi đêm.
Ngay những đêm thi của vợ, anh cũng không có thời gian để theo chân động viên, cổ vũ. “Cơm áo mà, hai đứa cùng nghỉ hát thì biết lấy gì sống đây. Ông xã mình nói: “anh không thể đến cổ vũ cho em nhưng lúc nào cũng ủng hộ em hết lòng” - Quang Sang cho biết.
Tham gia cuộc thi này, đối với cả Anh Trường và Quang Sang, không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê ca hát mà với họ, đây là cơ hội để được giới thiệu mình đến với khán giả. Tiếc là cả hai đều không lọt được vào đêm thi chung kết xếp hạng 11-5. “Dù không đạt ở lần này, mình sẽ thi tiếp Tiếng hát mãi xanh lần sau” - Anh Trường khẳng định.
Tiếng hát là tiếng lòng
“Bà là người cô đơn, cuộc đời của bà vui ít, buồn nhiều. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chồng mất từ năm 37 tuổi, bà một mình nuôi 8 người con, đứa nhỏ nhất khi đó mới chỉ một tháng tuổi, mấy mẹ con phải nương tựa lẫn nhau. Các con bà hiện giờ, đứa làm công nhân cạo mủ cao su, đứa đi làm thuê, làm mướn kiếm sống... Cuộc sống của bà còn vất vả lắm cháu ơi” - cụ Lê Thị Nhung, thí sinh có tuổi đời cao nhất cuộc thi, bộc bạch khi được hỏi về những bài hát bà chọn thể hiện qua mỗi đêm thi nghe buồn như rút từ gan ruột của mình.
Cụ kể: “Bài Đêm đông làm bạn cùng bà trong suốt những năm tháng cô đơn. Mỗi lời hát như những lời tâm sự, cứ thủ thỉ với mình. Cuộc đời bà buồn, nên tâm sự cũng buồn như vậy đó. Chỉ đến khi được bước vào cuộc thi này, đứng hát trong khán phòng, lòng bà mới được chút thư thả, nỗi buồn vơi đi”.
Còn đối với thí sinh Nguyễn Thục Duyên, đến từ TP Pleiku, bài hát Paris có gì lạ không em mà bà hát nhiều lần trong hai vòng thi bán kết và chung kết là một kỷ niệm trong cuộc tình duyên có quá nhiều trắc trở của bà, hơn 7 năm trời hai người mới tới được với nhau. Ngay cả khi lấy nhau và cho đến lúc đứa con đầu lòng lên 5 tuổi, bà vẫn phải một mình ôm con chờ đợi chồng.
Thuở ấy, biết bà yêu thơ Nguyên Sa, người yêu (chồng bà bây giờ) đã chép tặng toàn bộ bài thơ Paris có gì lạ không em, rồi tới khi Ngô Thụy Miên phổ nhạc thì bài hát đã thấm vào tim bà từ lúc nào. Khi đứng trên sân khấu và hát lên bài hát từ trái tim, bà như muốn sẻ chia tâm sự của mình cùng khán giả. Bà nói: “Nếu hát nhạc tình mà chưa khổ vì yêu sẽ không thể nào hát hay được”. |