“Cuộc thi quá dễ thương!”. Đó là lời nhận xét chung nhất của những ai theo dõi đêm thi chung kết đầu tiên được lên sóng truyền hình trực tiếp trên HTV9 đêm 23-4 của cuộc thi Tiếng hát mãi xanh, với chủ đề Ca khúc trữ tình, lãng mạn, do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức lần đầu tiên, diễn ra tại Nhà hát Truyền hình- Đài Truyền hình TPHCM.
Một cuộc thi đặc biệt
“Lòng cuồng điên vì nhớ…”, lặp lại câu hát này đến hai lần nhưng cụ bà thí sinh Lê Thị Nhung (74 tuổi, thí sinh của bảng 2) vẫn không thể hát tiếp tục. Bà quay vào trao đổi với ban nhạc, khán giả cổ vũ bằng một tràng pháo tay nồng nhiệt. MC Hữu Luân kịp thời cứu vãn tình thế bằng câu hỏi nhiệt tình: “Thí sinh cao tuổi nhất có phần hồi hộp quá.
Thí sinh Trần Thị Kim Loan (trái) và thí sinh Nguyễn Thục Duyên - hai giọng ca làm lay động cảm xúc khán giả trong đêm thi 23-4, vòng chung kết. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Xin mạn phép hỏi ban tổ chức và ban giám khảo, có thể cho thí sinh thi lại không?” Mọi người đồng ý để bà Lê Thị Nhung thi lại. Một lần nữa, bà Nhung quay trở lại sân khấu, dàn nhạc trỗi lên những nốt dạo đầu tiên của bản Hoài cảm (nhạc sĩ Cung Tiến)…
Phần thi khá cảm động, không chỉ vì sự nỗ lực hết mình của bà Nhung mà còn là sự chăm chú theo dõi của ban giám khảo. Từ NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đến NSƯT Ánh Tuyết… ai cũng nhìn bà và hát theo, khi bà cất giọng vượt qua nốt cao nhất thì họ dường như thở phào nhẹ nhõm, chia sẻ cùng bà chặng đường khó khăn của ca khúc mà bà chọn thể hiện. Sau đêm thi, bà Lê Thị Nhung đã nhận được phần thưởng “Thí sinh được khán giả yêu thích nhất” trị giá 5 triệu đồng.
Thí sinh cũng đặc biệt
Bà Nhung là trường hợp thí sinh đặc biệt của một cuộc thi đặc biệt: Thí sinh ở bảng “trẻ” tuổi cũng từ 35 đến 50, thí sinh ở bảng “già” đúng là… cao tuổi, từ 51 trở lên. Mười gương mặt được chọn vào vòng chung kết Tiếng hát mãi xanh đã bứt lên, vượt qua hơn 2.000 thí sinh khác. Phần lớn, họ đã làm cha làm mẹ của những đứa con trên dưới 20 tuổi, có vài người đã “lên chức” ông bà nội, ngoại. Họ đi thi hát với sự ủng hộ mạnh mẽ của con cháu hoặc chồng/vợ của mình.
Bà Lê Thị Nhung có 8 người con (nay chỉ còn 4 trai, 2 gái) và 14 đứa cháu cùng vài đứa chắt. Bà đi thi với một “binh đoàn” ủng hộ viên, có khẩu hiệu hành động hẳn hoi “Ngoại ơi, cố lên”… Ông Triệu Văn Hân, 67 tuổi, thời trẻ cũng đam mê ca hát, từng đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát sinh viên toàn miền Bắc năm 1969, trước khi về hưu, ông là hiệu trưởng Trường Trung cấp Vật tư Nông nghiệp phía Nam. Đêm chung kết vừa qua, ông hát ca khúc Dư âm (Nguyễn Văn Tý) một cách thiện nghệ!
Chị Nguyễn Thục Duyên, 51 tuổi, mới trở thành bà nội cách đây chừng một năm, vốn là cô giáo ở phố núi Pleiku cũng rất mê ca hát. Ca khúc Paris có gì lạ không em (Ngô Thụy Miên-Nguyên Sa) đưa chị Duyên vào vòng chung kết đã là một bất ngờ với giọng ca mượt mà ở tuổi 50 nhưng với ca khúc Tôi đi giữa hoàng hôn của nhạc sĩ Văn Phụng, chị Duyên hát trong đêm thi vòng chung kết mới thực sự lôi cuốn khán giả mạnh mẽ.
Ở bảng “trẻ”, thí sinh không dám mạo hiểm “hát bài mới” như thí sinh ở bảng cao tuổi. Hầu hết trong số họ chọn hát lại ca khúc đã thành công ở vòng bán kết. Trương Thị Quang Sang hát Khát vọng của Thuận Yến mạnh mẽ hơn nhưng kém da diết hơn so với vòng bán kết. Trần Thị Kim Loan – một phiên bản của Siu Black – hát Ly cà phê Ban Mê (Nguyễn Cường) rực cháy hơn.
Phạm Anh Trường hát lại Dấu tình sầu (Ngô Thụy Miên) có phần tự tin hơn, biểu diễn khá thu hút. Còn anh nhân viên ngành xây dựng Hà Vũ Huy Hoàng vẫn thích hát về Hà Nội, lần này chọn ca khúc Hà Nội ngày trở về (Phú Quang) và hát như một ca sĩ thực thụ. Được biết, năm 1999, Huy Hoàng đã từng lọt vào vòng bán kết cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM.
Cuộc dạo chơi không dễ có
Nói là thi hát nhưng không khí trình diễn lại không mang tính tranh đua máu lửa, bứt phá như những cuộc thi hát dành cho giới trẻ. Các thí sinh, trừ vài người có tham gia biểu diễn trước đó, rụt rè bước lên sân khấu với sự choáng ngợp của lần đầu xuất hiện dưới ánh đèn màu và cố gắng hát hết mình.
Vậy thôi. Sự rụt rè, sự cố gắng của thí sinh, sự châm chước (và cả sự âu lo) của ban giám khảo, tất cả đều quá dễ thương trong một cuộc dạo chơi với âm nhạc không dễ gì có được dành cho những người yêu ca hát đã đi qua thời tuổi trẻ. Bởi vì, còn rất nhiều người “đã toan về già” thích hát, thậm chí hát hay, nhưng chưa dám ghi tên dự thi! Nhìn 10 thí sinh, ngoài đời cũng bận rộn chuyện nhà, chuyện sinh kế gia đình nhưng khi bước lên sàn diễn, họ hát với tất cả những gì mình có, quả thật… khâm phục.
Còn hai đêm thi chung kết nữa: Đêm nhạc mang âm hưởng dân ca hay ca khúc truyền thống cách mạng (27-4) và Đêm thể hiện mình, thí sinh sẽ trình diễn ca khúc tự chọn ưng ý nhất (2-5) để ban giám khảo chọn 3 thí sinh xuất sắc nhất của mỗi bảng tham dự đêm thi chung kết xếp hạng (đêm 11-5). Khán giả sẽ chờ đợi những thú vị mà cuộc thi mang lại.
MC thật “vừa vặn”
Nếu không nói đến hai MC thì cũng là một thiếu sót. Anh Hữu Luân và chị Kim Hoa đã thật “vừa vặn” với cuộc thi khi biết nhấn nhá bằng những thông tin bên lề gắn kết người xem với thí sinh thật tình cảm.
Trong cuộc thi này, MC còn là chỗ dựa cho thí sinh. Cường độ và tốc độ khi nói của hai MC cũng dễ nghe, nhất là giọng nói – điềm đạm, truyền cảm nhưng không quá làm điệu đến độ thành giả tạo. |