Dựa trên một số nhật ký, tư liệu, hồi ức về chiến tranh, trong đó có nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Mùi cỏ cháy kể câu chuyện về bốn nhân vật chính là sinh viên khoa Văn: Hoàng - Thành - Thăng – Long. Họ đã từ bỏ những ước mơ nơi giảng đường để đến với chiến trường Quảng Trị ác liệt và góp phần làm nên 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị.
Bộ phim đầy xúc động về lòng nhiệt quyết, tinh thần hy sinh quên mình vì tổ quốc đã vinh dự được vinh danh. Ngoài giải thưởng quan trọng, biên kịch, quay phim trong phim còn được xướng tên ở nhiều hạng mục quan trọng: NSƯT Phạm Thanh Hà nhận giải quay phim xuất sắc nhất, Hoàng Nhuận Cầm nhận giải biên kịch xuất sắc nhất, Nhạc sĩ xuất sắc nhất được trao cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Khác với suy đoán, bộ phim Hotboy nổi loạn… chỉ mang về giải báo chí phê bình dành cho bộ phim điện ảnh hay nhất và một giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Hiếu Hiền. Phim này không nằm trong danh sách giải bạc và giải vàng làm cho một số khán giả thất vọng. Trước khi Cánh Diều 2011 được trao, nhiều ý kiến cho rằng cả hai phim Mùi cỏ cháy và Hotboy nổi loạn sẽ chia giải nhưng thực tế lại không phải. Bộ phim cùng chia giải với Mùi cỏ cháy là Long Ruồi.
Long Ruồi đã nhận được một số giải quan trọng: giải đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Charlie Nguyễn, nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Thái Hòa, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất Tina Tình. Phim này còn nhận được Cánh Diều Bạc.
Một trong những yếu tố bất ngờ thể loại phim truyện điện ảnh là bộ phim Sài Gòn Yo!. Phim này được nhận giải Cánh Diều Bạc. Trong đó, nữ diễn viên trẻ Quỳnh Hoa đã vinh dự được nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc. Cô lên nhận giải bằng một tiết mục rất đặc sắc đó là diện trang phục trong phim và trình diễn hip hop ngay trên sân khấu.
Ở thể loại phim truyền hình. Nữ diễn viên trẻ Elly Trần bất ngờ được xướng tên nhận giải nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất qua vai An phim Khát vọng thượng lưu.
Cao Minh Đạt được vinh danh hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn phim Công nghệ thời trang. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được vinh danh biên kịch xuất sắc cũng qua bộ phim trên.
Với thể loại phim hoạt hình, giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn, và giải thưởng bằng khen được dành cho hai bộ phim là Quái vật hồ sen và Ước mơ của cây đàn. Giải thưởng Cánh Diều Bạc trong lĩnh vực phim hoạt hình được trao cho Chiếc lông công của Hãng phim hoạt hình Việt nam. Và giải thưởng Cánh Diều Vàng đã thuộc về Đôi bạn của đạo diễn Phạm Hồng Sơn, do hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất.
Giải thưởng Cánh Diều Vàng dành Phim tài liệu điện ảnh được trao cho bộ phim Chuyện làng then, đơn vị sản xuất hãng phim khoa học tài liệu trung ương, và giải thưởng Cánh Diều Bạc dành cho Sóng nhà giàn. Hai đạo diễn Lê Vũ Hoàng và Nguyễn Lê Văn nhận giải thưởng Đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất.
Giải thưởng Cánh Diều Vàng dành cho phim tài liệu truyền hình đã thuộc về bộ phim Tiếng vọng 50 năm do đơn vị sản xuất Đài truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ sản xuất.
Giải Cánh Diều Vàng 2011 dành cho phim Khoa học xuất sắc là tác phẩm: Động đất, sóng thần, thảm họa khôn lường của Đạo diễn NSƯT Nguyễn Như Vũ. Giải tác phẩm: Sự sống trên đá và dưới nước, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm. Mùa chim làm tổ đoạt giải Cánh Diều Bạc.
Ngoài ra, đêm trao giải còn dành thời gian tôn vinh hai 2 gương mặt tiêu biểu của thế hệ điện ảnh Cách Mạng, đó là - Đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc - người từng giành giải thưởng HCM vào năm 2007 và Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, người nổi tiếng với những tác phẩm: Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Mùa Ổi...
Tổng cộng có 137 tác phẩm tham dự giải Cánh Diều 2011, trong đó có 19 phim truyện truyền hình, 37 phim ngắn, 11 phim hoạt hình, 4 phim tài liệu điện ảnh và 37 phim tài liệu truyền hình, phim khoa học có 10 phim.