Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy kết quả xuất khẩu (XK) gạo trong tháng 8 đạt 517.060 tấn, trị giá FOB 224,299 triệu USD, giá bình quân FOB đạt 433,8 USD/tấn. So với tháng trước, số lượng giảm 12,23%, trị giá giảm 4,84%, giá bình quân tăng 33,69 USD/tấn. Lũy kế XK 8 tháng đầu năm đạt 3,818 triệu tấn, trị giá 1,591 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giảm 10,01%, trị giá giảm 13,15%, giá bình quân giảm 15,09 USD/tấn.
Thấp nhất trong 6 năm qua
Theo đó, XK tháng 8 thấp hơn kế hoạch là 600.000 tấn, giảm hơn tháng 7 trên 70.000 tấn và cũng giảm đến 100.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước trên 10%. Nguyên nhân do hầu hết các thị trường châu Á sụt giảm mạnh, trong khi tăng ở châu Phi không bù đắp được.
Đây là số liệu XK thấp nhất từ năm 2009 đến nay, chưa tính mua bán qua biên giới Trung Quốc không thống kê được.
Hợp đồng đăng ký trong tháng 8 đạt mức trung bình, trên 600.000 tấn, tất cả là hợp đồng thương mại. Lũy kế hợp đồng đã đăng ký trong 8 tháng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 5% và hợp đồng còn lại chưa giao cũng thấp hơn số lượng tồn kho của doanh nghiệp, áp lực tồn kho còn nhiều nếu không có nhu cầu mới. Trong số lượng hợp đồng còn lại, chủ yếu là Trung Quốc, châu Phi, Malaysia và Philippines.
Do tình hình XK không khả quan nên giá lúa, gạo tiếp tục giảm nhẹ trong tháng 8. Theo đó, giá lúa hạt dài tại ruộng từ 4.200-4.650 đồng/kg (giảm 50 đồng), lúa thường từ 4.100-4.475 đồng/kg (giảm 25 đồng). Tuy nhiên, do nhu cầu XK gạo chất lượng cao có xu hướng tăng nên doanh nghiệp thu mua lúa khô hạt dài tại kho tăng đáng kể (5.550 đồng/kg, tăng 175 đồng). Trong khi đó, giá thành bình quân lúa vụ hè thu năm nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính công bố là 4.009 đồng/kg.
Lúa, gạo chất lượng cao đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu gạo
Hy vọng nhu cầu cuối năm
Theo đánh giá 4 tháng cuối năm, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục tăng nhưng giá thị trường tiếp tục giảm do tồn kho lớn, đặc biệt là chính phủ Thái Lan tăng cường bán ra để giải phóng tồn kho gạo cũ ngày càng xuống cấp. Thái Lan liên tục tổ chức đấu giá bán gạo tồn kho với 4,55 triệu tấn (lượng gạo còn tồn trong kho của nước này hiện là 13,5 triệu tấn, trong đó có 5,9 triệu tấn kém phẩm chất hoặc hư hỏng). Thái Lan chuẩn bị thu hoạch vụ mới nên nhu cầu XK càng tăng, áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Ấn Độ hầu hết diện tích đã được gieo sạ sớm, sản lượng và XK ổn định. Myanmar thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm XK gạo, dự kiến XK giảm khoảng 200.000 tấn và điều chỉnh mục tiêu XK còn 1,5 triệu tấn. Pakistan XK tăng do đang đối diện mức tồn kho lớn gần 4 triệu tấn gạo. Dự kiến những tháng cuối năm, Việt Nam mua bán qua biên giới Trung Quốc sẽ tốt hơn, góp phần tích cực trong việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa trong nước.
Indonesia mặc dù chưa có các thông tin chính thức nhưng chính phủ nước này đang đối diện với thực tế sẽ phải nhập khẩu gạo để bổ sung lượng dự trữ thiếu hụt do khô hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến sản lượng gạo trong nước. Philippines có kế hoạch tổ chức đấu thầu mua 750.000 tấn gạo cho những tháng cuối năm.
Chất lượng gạo XK trong tháng 8 đứng đầu là gạo thơm chiếm 35,30%, tiếp theo là gạo trắng cao cấp 27,37%, gạo cấp thấp 12,24%, nếp chiếm 9,21%, gạo trắng trung bình chiếm 8,30%. Lũy kế 8 tháng gạo trắng cao cấp chiếm 28,27%, gạo thơm 26,09%; gạo trắng trung bình 13,99%, gạo trắng cấp thấp 12,33%. Trong cơ cấu chất lượng, gạo thơm, gạo trắng cao cấp tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn. Đây là một chiều hướng phát triển tích cực nhưng cần quản lý chất lượng để củng cố thị trường. |
Bài và ảnh: LONG GIANG