Sau khi thu hút thành công số tiền đầu tư 1,1 tỉ USD cách đây ít lâu, hãng sản xuất smartphone mới nổi Xiaomi đã đạt giá trị thị trường lên tới 46 tỉ USD . Thành tích này giúp Xiaomi trở thành hãng công nghệ startup được định giá cao nhất trên toàn thế giới, vượt qua cả ứng dụng đặt chỗ taxi Uber (trị giá 41 tỉ USD). Thành công của Xiaomi còn thể hiện ở tốc độ tăng trưởng với doanh số chóng mặt. Trong 2014, doanh số bán hàng của Xiaomi tăng 300%. Chính sách chỉ bán hàng trực tuyến giúp Xiaomi không cần bỏ hàng triệu USD để duy trì cửa hàng hay quảng cáo.
Tuy nhiên, cũng đứng đằng sau những thành công đó là những sản phẩm mà Xiaomi rất nhiều lần bị tố là ăn cắp thiết kế của Apple. Jony Ive - thiết kế trưởng của "Táo khuyết", từng gọi Xiaomi là kẻ ăn cắp và lười nhác". Bạn dành 7 đến 8 năm phát triển một sản phẩm nào đó, và rồi nó bị sao chép. Đó rõ ràng là sự "ăn cắp và lười nhác" - Jony Ive công kích mạnh mẽ Xiaomi trong một phát biểu hồi tháng 10-2014. Phó Chủ tịch toàn cầu của Xiaomi là Hugo Barra (cựu Phó Chủ tịch bộ phận Android của Google) cũng "mạnh miệng" nói rằng những người tố họ nhái Apple là người theo thuyết duy cảm. "Nếu cả 2 công ty có những nhà thiết kế với tài năng tương tự nhau, thì việc sản phẩm giống nhau cũng là điều bình thường" - Hugo Barra cho biết.
Tất nhiên, với vai trò là người đại diện của Xiaomi, rõ ràng Hugo Barra không thể tự nhận rằng công ty này đi sao chép. Sự "học hỏi" của Xiaomi được thể hiện rõ ràng nhất qua những hình ảnh giữa các sản phẩm của Xiaomi và Apple dưới đây. Từ điện thoại, tablet, cho tới set-top-box, và cả router của Xiaomi, tất cả đều không ít thì nhiều có sự tương đồng với iPhone/iPad...
Chiếc Mi Router Mini - một bộ định tuyến mà Xiaomi ra mắt hồi tháng 4/2014.
Đây là hình ảnh chiếc Magic Trackpad của Apple.
Smartphone Mi4 của Xiaomi.
Và iPhone 5s của Apple.
Mi Box của Xiaomi.
Và Apple TV.
Máy tính bảng Mi Pad.
Và iPhone 5c.
Apple cho thấy sự quyết liệt của mình trong việc bảo vệ bản quyền thiết kế. Trong nhiều năm liền hãng tiếp tục "lôi" Samsung ra tòa vì những sự "học hỏi" tương tự như Xiaomi. Tuy nhiên điều đó không ngăn được sự phát triển của Samsung và công ty Hàn Quốc vẫn là nhà sản xuất điện thoại Android lớn nhất thế giới. Chỉ có điều, sự kém cỏi trong sáng tạo của Samsung đang để lại hậu quả nhãn tiền, khi lợi nhuận giảm tới 60% trong quý III/2014. Và sẽ không ngạc nhiên nếu trong tương lai, Xiaomi cũng sẽ có một kết cục tương tự.