Nhằm bảo toàn nguồn giống đậu nành quý và thúc đẩy phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu đậu nành lớn nhất Việt Nam tại Tây Nguyên (8.000 ha), tuần qua, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Đậu nành quốc gia Mỹ - ĐH Missouri (NCSB) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho việc bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên”.
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ sinh học từ NCSB, ĐH Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy đã chia sẻ những ứng dụng công nghệ mới nhất trong việc chọn tạo giống cũng như thiết lập hệ thống canh tác đồng bộ để phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành Tây Nguyên.
Chọn tạo giống đậu nành không biến đổi gien
Giống là nhân tố quyết định cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của hạt đậu nành. Vì vậy, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao cho việc chọn tạo giống đậu nành không biến đổi gien là một trọng tâm hàng đầu của Vinasoy. Sau 2 năm nghiên cứu, vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy cùng các chuyên gia từ NCSB đã thành công trong việc chọn thuần giống đậu nành Cư Jut hoa trắng với chất lượng tốt, năng suất tăng 10%-15% và đã được đưa vào trồng trong vụ II-2015 cho nông dân Cư Jut, Đăk Mil.
Tiến một bước xa hơn, hiện nay các chuyên gia đang ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để chọn tạo ra các giống đậu nành mới, bảo toàn được phẩm chất quý của giống đậu nành địa phương đồng thời nâng cao được năng suất, chất lượng của hạt đậu nành để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của Vinasoy.
Đậu nành Tây Nguyên có hương vị thơm ngon, đặc trưng được người tiêu dùng yêu thích
Hệ thống canh tác đồng bộ cho đậu nành Tây Nguyên
Song song với việc chọn tạo giống, suốt 2 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy cũng đã khảo nghiệm nhiều hệ thống canh tác theo đặc điểm của các vùng nguyên liệu khác nhau ở Tây Nguyên bao gồm: làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch trên các công cụ cơ giới hóa phù hợp.
Đặc biệt, trung tâm cũng đã liên kết với Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu chọn các loại vi khuẩn từ đất ferralsols Tây Nguyên để chế tạo ra phân sinh học nhằm tăng nốt rễ (nốt sần) và tăng hiệu quả sử dụng phân lân cho cây đậu nành.
Đến năm 2018, cùng với giống mới, hệ thống canh tác đồng bộ và những ứng dụng phân sinh học, phân hữu cơ sẽ nâng năng suất của đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn/ha, tương đương với năng suất đậu nành bình quân trên thế giới, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế góp phần ổn định đời sống của người nông dân, đồng thời chất lượng hạt đậu nành sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của Vinasoy.
Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy, khẳng định: “Hướng đi phát triển vùng nguyên liệu Tây Nguyên vừa là trách nhiệm vừa là chiến lược của Vinasoy và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành nhằm hợp tác bền vững cùng người nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp đậu nành Việt Nam. Sự lớn mạnh của vùng nguyên liệu Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện cho Vinasoy có nguồn đậu nành trong nước dồi dào, tươi mới, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng”.
Bài và ảnh: THANH UYÊN