Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, ĐHQG TP HCM, khu vực kinh tế tư nhân sẽ là chủ thể chính trong hội nhập đi kèm cả cơ hội và thách thức. Quan trọng là doanh nghiệp (DN) có đủ năng lực nắm bắt cơ hội và có tư duy đổi mới?
Chủ thể chính của hội nhập
Tại một hội thảo mới đây về vai trò đóng góp của các thành phần kinh tế cho tăng trưởng của TP HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết trong giai đoạn 2011-2015, cộng đồng DN trên địa bàn phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Khu vực DN ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng trên 97% tổng số DN trên địa bàn và khoảng 70% lượng vốn, trở thành nguồn lực quan trọng. Đến nay, nhiều DN tư nhân đã phát triển mạnh thành các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả và có thương hiệu mạnh, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của TP. Có điều, khối DN tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh hội nhập sâu rộng do quy mô, năng lực cạnh tranh kém.
Để thích nghi, tồn tại trong hội nhập là việc không dễ dàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ảnh: Cao Hường
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hami, chia sẻ dù biết cạnh tranh trên sân nhà sẽ ngày càng gay gắt khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực nhưng bản thân nhiều DN nhỏ rất khó xoay trở để chuyển mình. Đây là bài toán nan giải. Bởi nâng cao năng lực quản trị ở DN vừa và nhỏ khá khó khăn, do mô hình thường là công ty gia đình nên việc tập trung đầu tư vào máy móc, công nghệ trong điều kiện thiếu vốn, nhà xưởng nhỏ hẹp sẽ không dễ dàng. “Năng suất lao động quyết định rất lớn đến giá thành sản phẩm nhưng năng suất của người lao động trong nước hiện thua cả các nước trong khu vực. Vận hành hoạt động một DN quy mô nhỏ đưa sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay đã rất khó, chưa nói xây dựng những mô hình để cạnh tranh được với hàng ngoại” - ông Dũng phân trần.
“Nếu kinh tế nhà nước đang trong giai đoạn tái cơ cấu với việc gấp rút cổ phần hóa những tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đầu tư nước ngoài quan trọng nhưng có tính đặc thù riêng nên khu vực kinh tế tư nhân đang nổi lên vai trò và trọng trách khi hội nhập. Khu vực kinh tế tư nhân sẽ là chủ thể chính của quá trình hội nhập” - PGS-TS Nguyễn Tấn Phát nhận định.
Mở hết biên độ
Để tạo điều kiện cho khối DN tư nhân phát triển, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần theo hướng mở hết biên độ ở mức có thể. Như với TPP, cần rà soát cơ chế, chính sách nhằm cải thiện chất lượng thể chế kinh tế và xác lập môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thật sự thông thoáng theo các thông lệ quốc tế.
“Việt Nam đã bước vào hội nhập kinh tế sâu rộng là điều kiện để thúc đẩy mạnh hơn nữa vai trò chủ thể chính của kinh tế tư nhân. Trong đó, TP HCM cần tiên phong mở hết các biên độ tạo sức đột phá cho khu vực này phát triển, bằng sự quan tâm về vốn, liên kết hợp tác trong chuỗi sản xuất, thương mại... Bài học phát triển những tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật đều xuất phát từ hành động ủng hộ trên thực tế trong nhiều năm của chính quyền các nước này đối với khu vực tư nhân” - ông Phát phân tích.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cũng không ít lần kêu gọi nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng DN tư nhân phát triển và cạnh tranh được trong hội nhập. Bởi chưa bao giờ áp lực hội nhập đối với cộng đồng DN lại lớn như bây giờ, khi những khó khăn thách thức là khôn lường. Bởi trong hội nhập, nếu không có sự liên kết giữa các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho DN thì việc suy yếu của khu vực DN tư nhân là điều hiển nhiên.
LINH ANH