Nghệ thuật “hái yến”
Có dịp theo chân những người thợ khai thác và bảo vệ chim yến tại các đảo thiên nhiên trên vùng biển Khánh Hòa, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự công phu, khéo léo và độc đáo của những con người gắn bó với nghề này. Chẳng hạn, để thu hoạch được tổ yến trên những vách đá dựng đứng, cheo leo, đòi hỏi cơ thể người thợ phải thật sự dẻo dai, đầy kinh nghiệm và cả lòng dũng cảm. Tùy theo đặc thù của từng hang mà thiết kế giàn cho phù hợp địa hình, vừa an toàn cho bản thân và bảo toàn nguyên vẹn được tổ yến. Ông Phạm Lên - 85 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang; đã theo ông nội và cha làm nghề hái yến từ năm 14 tuổi - bật mí bí quyết thu hoạch yến: “Có nhiều cách hái yến. Nếu tổ yến ở những nơi không cao lắm, người ta thường “đi cội”. “Cội” là cây tre thẳng, già, chắc, có nhánh giống như cái thang một chân. Ở những hang rộng, tổ yến nhiều, người ta thường làm giàn giáo bằng tre mây để hái tổ yến.
Theo những người thợ thu hoạch yến sào, giá trị tổ yến một phần phụ thuộc vào sự nguyên vẹn và đủ “chân”. Vì vậy, khi thu hoạch phải hết sức cẩn thận để tổ yến còn nguyên vẹn. Người thợ một tay cầm miệng tổ, tay kia dùng nĩa hoặc móc sắt từ từ cạy chân tổ. Với hơn 70 năm kinh nghiệm, ông Lên kể: Nhiều nơi trên đảo, chim yến làm tổ trên vách đá cheo leo, cao vút, khi đó buộc phải “đi dây”, “đi dăng”, “đi bộ”. “Đi dây” là người thợ hái yến phải cột dây vào những tảng đá lớn trên núi hoặc những cọc tre được đóng chắc chắn rồi theo dây leo xuống. “Đi dăng” có nhiều loại. “Dăng” thường là cây tre dài, dùng bắc ngang trên giàn giáo để đi lại. “Dăng” lửng cũng làm bằng tre, độ dài trung bình, có tác dụng tương tự. “Dăng” ngắn là những đoạn tầm vông hoặc gỗ cây sầm, kích thước vừa tay người nắm, dài ngắn tùy theo việc sử dụng. “Dăng” ngắn được đóng giữa 2 vách đá hẹp và trơn, tựa như bậc thang, giúp người hái yến di chuyển. Còn “đi bộ” là thao tác đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất. Hai cánh tay người thợ phải rắn chắc. Nơi khe núi hẹp, vách trơn, ít chỗ bám, người thợ phải dựa lưng vào vách sâu, chân đạp vào vách trước, 2 tay đỡ vách sau hoặc vách trước để di chuyển lên xuống hoặc vào sâu, nơi có tổ yến. Người thợ hái yến ngoài sức khỏe còn phải có thể lực dẻo dai, tập trung cao độ khi làm việc.
Khai thác yến đảo thiên nhiên tại hang yến ở Khánh Hòa
Yến sào Khánh Hòa - Kết tinh của biển trời và non nước
Chim yến Hàng Germani đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa có sức khỏe diệu kỳ và nguồn sinh lực mạnh mẽ với khả năng đề kháng rất cao. Nhờ vào nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học và khoáng vật phong phú tại những vách đá cheo leo hiểm trở, hang động dưới chân sóng vỗ quanh năm là nền tảng làm phong phú nguyên tố đa vi lượng trong tổ yến tạo nên giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao và mùi thơm đặc trưng của tổ yến đảo thiên nhiên Khánh Hòa. Đặc biệt, chỉ có một số hang đảo thiên nhiên tại các đảo yến Khánh Hòa có tổ yến huyết, tổ yến hồng với hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Chính từ sự kết tinh của biển trời và non nước đã tạo nên hương vị quý hiếm của yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa.
Trải qua lịch sử truyền thống lâu đời, nghề khai thác yến sào Khánh Hòa ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với công trạng của các bậc thủy tổ ngành nghề yến sào và sứ mệnh bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của đất nước. Chất lượng, giá trị thương phẩm của yến sào Khánh Hòa đứng hàng đầu thế giới, là thực phẩm có nguồn dinh dưỡng đặc biệt cao, đồng hành cùng sức khỏe cộng đồng.
Bài và ảnh: ĐÌNH MƯỜI