“Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về phụ tùng ô tô, linh kiện xe máy, thép gia công...”. Đó là thông tin từ ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam, cho biết tại “Triển lãm liên minh các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ 2015, METALEX Vietnam 2015 (MXV), Electronics Assembly 2015 (EA) và triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015 (ICSV)” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP HCM và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức ngày 8-10 tại TP HCM.
Cần cắt giảm chi phí nguyên vật liệu
Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố không chỉ là công nghệ, còn cần kiến thức và cơ hội kết nối mạng lưới nhằm đạt được năng suất tối ưu. Đó là mục đích mà các DN Nhật Bản mong muốn áp dụng tại Việt Nam. Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện JETRO Văn phòng TP HCM, cho biết đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam năm 2015 vẫn không suy giảm, mà còn ở xu thế vượt qua năm trước. Trong tương lai, việc đầu tư của DN Nhật Bản sẽ tiếp tục trở thành nguồn động lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những mối quan tâm chính của các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là khả năng của nguồn cung trong nước. Theo kết quả điều tra thực trạng DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do JETRO tổ chức hằng năm thì trong tổng chi phí sản xuất của các DN Nhật Bản ở Việt Nam, chi phí nhân công chiếm 17,4%, trong khi chi phí nguyên vật liệu, linh kiện lên đến 58%.
Cho nên việc cắt giảm chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất là vấn đề quan trọng liên quan nhiều đến năng lực cạnh tranh về giá. Việc giải quyết vấn đề này liên quan đến việc nâng cao tỉ lệ cung ứng nội địa. Theo kết quả điều tra của JETRO, 78% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có định hướng nâng cao tỉ lệ cung ứng trong nước ở Việt Nam. Trong đó, số DN trả lời là coi trọng việc cung ứng từ DN Việt Nam chiếm đến 77%. DN Nhật Bản cũng ý thức mạnh mẽ về việc cung ứng từ DN Việt Nam để cắt giảm chi phí, giảm thời gian cung ứng.
Các doanh nghiệp vùng Osaka - Nhật Bản kết nối với doanh nghiệp trong nước
Nguồn vốn đầu tư tăng cao
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho biết việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp. Trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung phát triển lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Những năm gần đây, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá lớn. Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, từ đầu năm đến giữa tháng 9, đã có 397 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với vốn đăng ký đạt 2.362,8 triệu USD, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo quy mô vốn đầu tư, từ 10 triệu USD đến dưới 100 triệu USD có 15 dự án, tổng vốn 554,5 triệu USD; 100 triệu USD trở lên có 3 dự án, vốn đầu tư 1.610 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành bất động sản, công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp. Các nhà sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang có xu hướng chuyển dần công nghệ và nhà máy vào Việt Nam. Điều này kéo theo nhu cầu cao về linh kiện tại chỗ của các nhà sản xuất. Đây là dịp để các DN nội địa nắm bắt cơ hội và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP HCM hiện có khoảng hơn 260 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng DN FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành điện tử, cơ khí, ô tô. Sản phẩm của các DN này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các DN này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước còn hạn chế.
Ngày 7-10, đoàn 11 DN vùng Osaka (Nhật Bản), Tổ chức Thương mại và công nghiệp vùng Osaka cùng với cơ quan hành chính Osaka đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM tổ chức chương trình “Kết nối DN Việt Nam và DN vùng Osaka - Nhật Bản” tại TP HCM. Có gần 150 DN Việt Nam và DN nước ngoài đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đến gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu với 11 DN vùng Osaka thuộc các lĩnh vực cơ khí, gia công linh kiện điện tử, phụ tùng cho nhà máy điện, phụ tùng ô tô, máy hàn, máy cắt, tái chế rác thải. |
Bài và ảnh: LONG GIANG