Thời điểm mùa mua sắm cuối năm đến gần cũng là lúc một bộ phận người dùng đang tìm cho mình một chiếc smartphone ưng ý để “lên đời”. Song hành cùng những sản phẩm cao cấp có giá hàng chục triệu, những mẫu máy chính hãng được hưởng chế độ bảo hành chuẩn mực, thị trường điện thoại cũ luôn là một trong những phân khúc sôi động nhất. Trong đó, những mẫu iPhone đời cũ, đã qua sử dụng như iPhone 5, 4S hay 4 đang là đích ngắm của không ít người.
Những chiếc iPhone đã qua sử dụng thường được quảng cáo mới 99%. Ảnh: Mua rẻ.
Dạo quanh các cửa hàng di động hoặc các trang rao vặt, người dùng có thể sẽ hoa mắt với những màn chào bán iPhone đã qua sử dụng. Có một điểm khó tin là gần như toàn bộ những người chào bán máy đều đính kèm dòng chữ “mới 99%”. Cả người bán, người mua đều chẳng mấy ai có ý kiến gì về những lời quảng cáo có phần vô lý trên.
Đem thắc mắc này trao đổi với anh Đặng Quốc Cường - một thợ sửa iPhone lâu năm tại Phố Huế, Hà Nội, người viết nhận được một tràng cười kèm theo lời giải thích ngắn gọn: “Làm gì có máy mới 99%. Đó phần nhiều là máy dựng lại. Con số 99% chẳng qua chỉ dùng để tượng trưng, cả người bán và người mua đều hiểu đó là máy cũ. Còn chất lượng của máy phải qua kiểm định kỹ thuật mới biết chính xác được”.
Anh này chia sẻ thêm: “Chẳng hạn, iPhone 4 16 GB đã bị dừng sản xuất từ tháng 9-2012 (hiện chỉ còn bản 8 GB được bán cho một số thị trường đang phát triển). Cứ cho là người ta có thể nhập và bán máy tồn kho trong khoảng 6-8 tháng tiếp theo thì cũng chỉ đến giữa 2013 là gần như hết sạch máy mới. Có ai sử dụng máy iPhone 4 trong hơn một năm (từ giữa 2013 đến cuối 2014) mà còn giữ được chất lượng 99% hay không? iPhone 5 thì gần như không còn hàng ngay sau khi Apple ra mắt iPhone 5C (tháng 9-2013) nên đến thời điểm hiện tại, cũng không thể có máy mới 99%”.
Theo anh Cường, nếu là một chiếc iPhone 6 hay 6 Plus đã qua sử dụng, được rao bán lại ở thời điểm hiện tại thì có thể miễn cưỡng được gọi là “mới 99%”. Máy mới 99% thực chất phải được hiểu là máy vừa bóc seal (tháo bao kiếng ngoài hộp), kích hoạt, cùng lắm là sử dụng một vài ngày.
Những chiếc máy này thường được nhập về theo lô từ Trung Quốc. Hộp và phụ kiện đi kèm sẽ được đóng nếu có yêu cầu. Ảnh: Nhật Tảo.
Chia sẻ về nguồn gốc của những chiếc iPhone được quảng cáo là mới 99% này, anh Cường cho biết, máy này cũng được phân ra làm nhiều loại. Thứ nhất, đây là những chiếc máy đã qua sử dụng của người dùng trong nước, bán lại cho cửa hàng để lên đời. Cửa hàng mua về đem bán lại để kiếm lời.
Nguồn thứ 2 là các mẫu máy được gọi là hàng “trưng bày”. Đây là những chiếc máy được Apple hoặc các hệ thống bán lẻ lớn đem ra trưng bày tại điểm bán trực tiếp để khách hàng trải nghiệm. Sau khi họ tiến hành thay thế máy trưng bày hoặc bỏ mẫu do hết chu kỳ sản phẩm, loạt máy này sẽ được thanh lý với giá rẻ cho các đầu mối lớn ở Hồng Kông, Trung Quốc. Cửa hàng sẽ nhập máy về để bán lại cho khách.
Nguồn nhập hàng thứ 3 là máy cũ từ các thị trường đã phát triển. Tại Trung Quốc, các trùm buôn điện thoại cũ có những cơ sở cực lớn để gom và phân loại máy cũ mua từ các nước phát triển (thông qua nhà mạng hoặc các trang mua hàng cũ). Sau khi phân loại để kiểm định chất lượng máy, họ sẽ cho bán ngay những máy có chất lượng tốt. Những máy bị dính lỗi như lỗi nguồn, main, lỗi màn hình đều sẽ được thay thế linh kiện, hoặc thay vỏ nếu vỏ máy quá cũ. Đây chính là loại máy “dựng” hoặc máy “đóng lại” như nhiều người vẫn thường nói.
Như vậy, về bản chất người mua iPhone cũ vẫn có cơ hội mua được những sản phẩm có chất lượng tốt. Thậm chí, với những chiếc máy dựng, hiện tượng máy bị lỗi cũng không nhiều bởi theo anh Cường, công nghệ dựng máy ở Trung Quốc đã đạt đến tiêu chuẩn rất cao, phôi linh kiện đều là hàng được tuồn từ chính nhà máy sản xuất iPhone ra bên ngoài.
Đây cũng là lý do khiến các cửa hàng thích bán iPhone cũ hơn hẳn so với các dòng máy Android, bởi tỷ lệ bị lỗi của máy thấp hơn, tuổi thọ dài hơn so với điện thoại Android. Để khách hàng yên tâm, nhiều cửa hàng hiện cho bảo hành máy cũ trong thời gian lên đến 6 tháng với chế độ một đổi một.