Trước khi chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” được phát động, một số đơn vị cũng đã tiến hành các hoạt động tương tự. Một chương trình được truyền thông mạnh về tặng bò cho người nghèo như Lục lạc vàng thì sau 3 năm thực hiện, số lượng bò giống chương trình tặng cho hơn 1.488 hộ nghèo là gần 2.500 con. Còn với các đơn vị tặng bò từ nguồn phúc lợi doanh nghiệp thì mỗi năm chỉ trao được khoảng 200-300 con.
Cách làm mới: 3 năm, 24.000 con bò giống
Theo tính toán, ở 11 tỉnh biên giới, số lượng hộ khó khăn cần được ưu tiên tạo điều kiện thoát nghèo lên tới con số 24.000. Nếu như làm theo cách cũ thì ngay cả với chương trình thành công nhất hiện nay là Lục lạc vàng, thời gian cần thiết để tặng bò cho các hộ nghèo biên giới cũng cần tới gần 30 năm; còn nếu đơn thuần là doanh nghiệp trích quỹ phúc lợi để thực hiện thì thời gian để tặng bò cho đồng bào nghèo có thể lên tới 100 năm (với tốc độ tặng 200-300 con bò/năm). Trong khi đó, tại miền biên giới, những hộ dân nơi đây chính là những người bám đất, bám cột mốc, trực tiếp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, phát triển. Hơn ai hết, họ cần được quan tâm để đời sống bớt khó khăn, thoát nghèo và an cư, giữ gìn an ninh biên giới.
Thế nhưng, câu chuyện “xóa nghèo trong 100 năm” đã có lời giải khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Chủ tịch nước đã giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp (trong đó có Viettel) thực hiện việc vận động làm từ thiện xã hội theo cách mới, sao cho có thể huy động được nhiều nhà hảo tâm cùng chung sức.
Kinh phí thực hiện chương trình lấy chủ yếu từ việc phát triển các dịch vụ viễn thông nhưng là sự chung sức của doanh nghiệp và khách hàng sử dụng dịch vụ. Theo đó, cứ mỗi nhà hảo tâm cam kết dùng 1 dịch vụ trả sau của Viettel thì Viettel tặng ngay 1 triệu đồng để mua bò tặng cho hộ nghèo. Người tham gia chương trình vừa được sử dụng các dịch vụ viễn thông vừa được chung tay làm điều tốt. Và quan trọng hơn cả là với cách làm này, việc trao hơn 24.000 con bò giống cho đồng bào nghèo 11 tỉnh biên giới chỉ mất thời gian chưa đến 3 năm. Do đó, đây là cách làm mới, sáng tạo và có tính khả thi cao.
Nếu thực hiện theo cách mới của Viettel, việc trao 24.000 con bò cho người nghèo biên giới
chỉ mất chưa đầy 3 năm trong khi làm cách cũ có thể lên tới 100 năm Ảnh: Mai Hạnh
Cộng hưởng nguồn lực từ hàng triệu trái tim
Cách huy động nguồn lực giúp đỡ người nghèo mà Viettel đưa ra thực tế đã được nhiều nhà hảo tâm vĩ đại trên thế giới áp dụng, điển hình là Bill Gates - tỉ phú giàu nhất thế giới. Với số tiền hàng chục tỉ USD hiến tặng cho các hoạt động nhân đạo, ông có thể làm được rất nhiều điều. Tuy nhiên, nhà hảo tâm vĩ đại này luôn kêu gọi những người có trái tim vàng khác cùng chung sức với mình chứ không hành động đơn độc. Hàng chục tỉ phú trên thế giới đã cùng cam kết hiến tới 90% tài sản của mình như Bill Gates cho các hoạt động nhân đạo.
Khi thành lập Quỹ Y tế Việt Nam để giúp đỡ người nghèo với số tiền dự kiến khoảng 100 triệu USD, Bill Gates đưa ra điều kiện khá đặc biệt. Nếu những nhà hảo tâm Việt Nam đóng góp được bao nhiêu, ông sẽ ủng hộ đối ứng từng đó vào quỹ. Vì sao Bill Gates lại làm vậy trong khi ông có thể ủng hộ toàn bộ 100 triệu USD? Câu trả lời là: Nếu làm một mình, Bill Gates đã không trở thành người làm từ thiện vĩ đại nhất thế giới.
Trở lại với chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, nếu tiếp tục làm theo cách cũ, tách biệt các doanh nghiệp khỏi nguồn lực cộng hưởng từ hàng ngàn, thậm chí hàng triệu trái tim nhân ái trên khắp Việt Nam, tặng 24.000 con bò cho những người nghèo cần thời gian rất dài. Trong quãng thời gian đó, rất nhiều điều có thể khác đi nếu những hộ gia đình khó khăn ở miền biên giới được trao cơ hội chỉ với một con bò.
Trần Long