Phong cách sống
21/09/2015 15:50

Người Sài Gòn mua gì, người Hà Nội thích gì?

Báo cáo chỉ ra người Sài Gòn mang tính cá nhân hơn và người Hà Nội mang tính tập thể hơn trong các quyết định mua hàng.

Nếu bạn kinh doanh xin đừng quên yếu tố văn hóa vùng miền! Bài viết này không có ý cổ vũ những định kiến vùng miền nhưng các dữ liệu khảo sát từ thực tế là cần thiết cho người làm kinh doanh.

Sài Gòn: cá nhân; Hà Nội: tập thể

Theo thông tin mà người viết có được, có lẽ khảo sát có quy mô rộng nhất và chi tiết nhất tính đến thời điểm hiện nay là báo cáo năm 2009 của Nielsen về sự khác biệt giữa hai nhóm người tiêu dùng ở Hà Nội và Sài Gòn. Báo cáo chỉ ra người Sài Gòn mang tính cá nhân hơn và người Hà Nội mang tính tập thể hơn trong các quyết định mua hàng.

Người Hà Nội thường hành động theo lời khuyên của người khác, họ sợ mắc lỗi khi đưa ra quyết định. “Tôi có niềm tin ở những người đã có kinh nghiệm sử dụng sản phẩm. Chúng ta có thể phạm sai lầm khi không hỏi ý kiến người khác”, một người được hỏi trả lời. Có 65% người Hà Nội nói: “Tôi sợ mắc lỗi khi quyết định, tham khảo ý kiến người khác giúp tôi cảm thấy an toàn hơn” nhưng chỉ có 45% người Sài Gòn thừa nhận điều này.

Người Hà Nội không muốn bị coi là lạc hậu hay “thua kém” người khác. Họ cũng không muốn bị cô lập trong đám đông. “Nếu bạn không giống những người khác trong xã hội, điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy thua kém họ”, một trong những nhận định được rút ra từ khảo sát.

Trong khi đó, người Sài Gòn, tuy vẫn quan tâm những gì người khác nói hay nghĩ nhưng cuối cùng họ sẽ quyết định theo ý riêng. Người Sài Gòn cảm thấy không cần phải bắt chước người khác. “Bạn phải có quan điểm riêng và nó phải phù hợp với túi tiền, khả năng chi trả của bạn”, một khách hàng trả lời.

Trả lời câu hỏi “Bạn quyết định mua hàng dựa trên những yếu tố nào?”: 99% người Hà Nội cho biết dựa vào khuyến nghị của các thành viên trong gia đình trong khi tỷ lệ này ở người Sài Gòn là 94%; 91% người Hà Nội nói dựa vào lời khuyên của bạn bè, còn người Sài Gòn chỉ là 71%; 83% người Hà Nội dựa vào ý kiến của đồng nghiệp, người quen nhưng với người Sài Gòn chỉ là 52%; 94% người Hà Nội dựa vào gợi ý của... hàng xóm trong khi người Sài Gòn là 42%.

Sự đặc trưng tạm gọi là “chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể” ở hai khu vực Nam, Bắc rất khác biệt. Trong số 15 hạng mục nghiên cứu của cuộc khảo sát có 7 hạng mục ghi nhận nhóm khách hàng tại Hà Nội bị “ảnh hưởng cao hơn từ người khác” (gồm thiết bị gia dụng, phương tiện đi lại, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ y tế, tài chính, sản phẩm chăm sóc gia dụng), trong khi người Sài Gòn thì không thể hiện rõ ràng.

Người Sài Gòn nói: “Trước khi đến cửa hàng mua một màn hình LCD, tôi đã quyết định mua nhãn hiệu Samsung. Tôi cũng có tham khảo thêm ý kiến người khác nhưng đây là quyết định của tôi”. Người Hà Nội thì cho rằng các ý kiến khác làm ảnh hưởng đến hoạt động và hành vi của họ: “Tôi muốn mua một ti vi mới và nếu hàng xóm cho tôi biết rằng loại ti vi đó chất lượng không cao thì tôi sẽ đổi ý ngay lập tức”.

Người Hà Nội chuộng hình thức

Các sản phẩm và thương hiệu cao cấp hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Hà Nội. Đây là phân khúc rất tiềm năng cho các dòng sản phẩm cao cấp của các nhãn hiệu. Thống kê cho thấy tại thời điểm giữa năm 2009, 72% điện thoại di động cao cấp, 45% máy giặt cao cấp, 38% hàng điện tử đắt tiền được bán ở Hà Nội. Các tỷ lệ này ở Sài Gòn lần lượt là 45%, 28% và 24%, tức thấp hơn rất nhiều.

Sự khác biệt của người tiêu dùng ở hai miền tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho các nhà tiếp thị. 40% người Hà Nội thừa nhận “muốn nổi bật trong đám đông, trong các đồng nghiệp” nhưng chỉ có 24% người Sài Gòn muốn như vậy. 62% người Hà Nội nói họ sẽ không mua những bộ quần áo tương tự như người khác đã chọn nhưng chỉ có 35% người Sài Gòn làm như vậy.

 

Người Hà Nội trung thành với các thương hiệu bánh trung thu truyền thống
Người Hà Nội trung thành với các thương hiệu bánh trung thu truyền thống

 

Người Hà Nội nói: tôi không hài lòng khi bạn mình đang sử dụng điện thoại di động cao cấp trong khi tôi sử dụng một cái giá rẻ, mọi người sẽ coi thường tôi. Nhưng người Sài Gòn thì trả lời: nhiều người nhận xét điện thoại của tôi xấu xí nhưng tôi không quan tâm. Nó không quan trọng và tôi không nhất thiết phải theo họ.

Vì thế, người Hà Nội sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm cao cấp, kể cả họ phải tính toán, tiết kiệm để có khoản tiền mua chúng. Một người được hỏi cho biết: “Tôi rất thích một chiếc túi Louis Vuitton có giá khoảng 1.000 đô la Mỹ và tôi thực sự muốn tìm một việc làm lương 20 triệu đồng một tháng để tôi có thể tiết kiệm đủ tiền cho chiếc túi”. Có 71% người Hà Nội thừa nhận họ ưa chuộng các sản phẩm sang trọng trong khi tỷ lệ này ở Sài Gòn là 59%. Người Sài Gòn nói tôi thích các sản phẩm sang trọng, nhưng không quá cố gắng để có nó.

Người Sài Gòn mua một món đồ vì họ thích nó hơn là vì nó giúp họ khoe mẽ với xung quanh. Và khi điều kiện kinh tế khó khăn, họ sẵn sàng hạ tiêu chuẩn để dùng các nhãn hiệu rẻ hơn: “Tôi không cần phải vội vã mua một sản phẩm cao cấp vì người khác có nó”.

48% người Sài Gòn nói “mua sắm nhãn hiệu cao cấp chỉ dành cho những ai muốn thu hút sự chú ý. Tôi không phải loại người đó” nhưng chỉ có 29% người Hà Nội thừa nhận điều này. 64% người Hà Nội sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm mà họ thích nhưng chỉ có 52% người Sài Gòn làm như vậy. 94% người Sài Gòn sẽ mua sản phẩm chất lượng mà tiết kiệm chi phí nhưng tỷ lệ này ở người Hà Nội là 79%.

Chiến lược vùng miền

“Chiến lược vùng miền rất quan trọng trong bán hàng, nếu không tính toán kỹ, bạn sẽ khó mà thành công”, theo ông Lâm Văn Hải, Phó tổng giám đốc cấp cao Suntory PepsiCo Việt Nam và cũng là người đã phụ trách bộ phận bán hàng hơn 20 năm.

Theo ông Hải, trong chiến lược bán hàng, sự đầu tư lớn chưa giúp đem lại thành công chắc chắn mà phải biết đánh giá đúng thị trường. Với kinh nghiệm của mình, ông Hải cho biết lộ trình triển khai các sản phẩm mới căn cứ vào thói quen tiêu dùng từng khu vực. “Bạn phải biết dùng cần câu gì để câu con cá nào. Cần câu cần được thả khi nào và lúc nào thì thả sâu còn lúc nào thả cạn”.

Ở Việt Nam, văn hóa mỗi vùng miền khác nhau rất rõ nên việc hiểu lúc nào khách hàng cần dùng sản phẩm của mình là rất quan trọng đối với người kinh doanh. Hàng ngàn công ty đang thấy rằng để cạnh tranh thành công không phải chỉ cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt mà còn phải xác lập độ sẵn sàng cho sản phẩm ở những địa điểm xác định, vào thời điểm và theo cách mà người tiêu dùng muốn. “Người sử dụng cuối cùng là người quyền lực nhất. Hành vi của họ định đoạt sự sống còn của công ty. Tận dụng được quyền lực đó bạn mới thành công”.

“Bán hàng là con đường đau khổ. Đừng bao giờ thỏa mãn với thành công hiện tại, bởi nếu bạn hài lòng sớm, bạn sẽ thất bại ngay ngày mai” - ông Hải nói. “Có những nơi, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao. Có khu vực, người ta sẵn sàng thay đổi khi có sản phẩm thay thế nhưng không phải khu vực nào cũng vậy. Khách hàng chính là hàng rào bảo vệ vững chắc nhất cho công ty”.

Quả thật, một công thức kinh doanh sẽ không vừa vặn với mọi vùng miền trên khắp Việt Nam. Chiến lược riêng cho mỗi vùng miền phải được đặt lên hàng đầu nếu bạn muốn kinh doanh ở chốn “khó hiểu” này.

 

Người Hà Nội trung thành với nhãn hiệu hơn

Cũng từ khảo sát của Nielsen, nếu như 95% người Hà Nội quan tâm về nguồn gốc của sản phẩm thì tỷ lệ này ở người Sài Gòn chỉ có 85%; 98% người Hà Nội quan tâm chất lượng sản phẩm trong khi chỉ có 84% người Sài Gòn quan tâm.

Một chuyên gia bình luận rằng người Hà Nội bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi hệ thống các giá trị phong kiến và thường khiến đối phương gặp nhiều thách thức hơn khi thuyết phục. Cùng là một chiến dịch tiếp thị, để thay đổi được 1 trong 5 người tiêu dùng ở Sài Gòn thì lại chỉ có thể tác động được 1 trong 10 người tiêu dùng Hà Nội.

Khi nền kinh tế khó khăn hơn người Sài Gòn chuyển xuống mua các nhãn hiệu rẻ hơn nhưng người Hà Nội vẫn mua nhãn hiệu hàng hóa cũ nhưng khối lượng nhỏ hơn. 79% người Hà Nội trả lời họ sẵn sàng “hy sinh” tiền để gắn bó với thương hiệu của họ trong khi chỉ có 36% khách hàng ở Sài Gòn làm điều đó.

93% người Hà Nội nói họ không thay đổi thói quen tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và mỹ phẩm khi trở nên nghèo hơn trong khi chỉ một nửa người Sài Gòn thừa nhận điều đó. Điều này được một số người lý giải là do thị trường Sài Gòn có nhiều sự lựa chọn hơn nên người tiêu dùng khó trung thành với một nhãn hiệu.

Tuy nhiên, đòi hỏi đặt ra cho các công ty là cần đầu tư liên tục hơn để duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng Sài Gòn đối với thương hiệu và duy trì khối lượng hàng hóa tiêu thụ ở Hà Nội khi kinh tế thay đổi. Đối với thị trường Hà Nội, các doanh nghiệp thường mất thời gian đầu tư lớn thời gian đầu nhưng khi đã “giành” được trái tim người tiêu dùng ở đây thì đó là chiến thắng lâu dài.

Trước hành vi khác biệt giữa hai nhóm người tiêu dùng này, quảng cáo có vai trò lớn hơn với người Hà Nội. 23% người Hà Nội thích xem quảng cáo và bị ảnh hưởng bởi chúng trong khi chỉ có 6% người Sài Gòn quan tâm. 100% người Hà Nội dùng Internet và so sánh giá trên các trang web trước khi mua hàng trong khi chỉ có 22% người tiêu dùng ở Sài Gòn làm điều đó.

Các khảo sát cho thấy người Hà Nội có phản ứng tốt hơn với các chương trình quảng cáo, khuyến mãi và dịch vụ sau bán hàng. 73% người được hỏi nói “quảng cáo thực sự hữu ích khi tôi cần phải mua một cái gì đó” trong khi ở Sài Gòn tỷ lệ này là 28%. 49% người Hà Nội thấy thoải mái hơn với sản phẩm có mật độ quảng cáo phổ biến trong khi ở Sài Gòn chỉ là 19%.

Người Sài Gòn ủng hộ kiểu khuyến mãi tăng khối lượng còn người Hà Nội thì thích giảm giá.

57% người Hà Nội cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền để có được dịch vụ bán hàng tốt hơn trong khi tỷ lệ này ở Sài Gòn là 34%.

Nhiều người Sài Gòn tự coi mình là một phần của thế giới mới với đầu óc cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới. Vì thế, nhiều chuyên gia khuyên doanh nghiệp nên thử nghiệm sản phẩm mới tại thị trường này.

Có thể thấy với hai nhóm người tiêu dùng khác biệt như thế nên các chiến lược kinh doanh rất cần phải được “may đo” khác nhau.

 

Theo Hồng Phúc (TBKTSG)
PVcomBank ra mắt nền tảng số dành cho doanh nghiệp

PVcomBank ra mắt nền tảng số dành cho doanh nghiệp

Tài chính - Ngân hàng 10:38

Ngày 26-11-2024, PVcomBank ra mắt nền tảng ngân hàng số PVConnect Biz, mang đến những giải pháp tài chính số toàn diện dành cho các khách hàng tổ chức.

BIDV QR - Siêu trợ lý thu hộ trên ezCloud

BIDV QR - Siêu trợ lý thu hộ trên ezCloud

Ngân hàng 18:58

Dịch vụ Thu hộ qua QR định danh của BIDV đã chính thức có mặt trên nền tảng ezCloud - phần mềm Quản lý khách sạn số 1 tại Việt Nam. Nhân dịp này, BIDV và ezCloud dành tặng khách hàng sử dụng phần mềm ezCloudHotel, ezFolio, ezTicket và ezGolf chương trình khuyến mãi với các ưu đãi lớn nhất từ trước tới nay.


VIETBANK TRIỂN KHAI COMBO PHÍ CHUYỂN TIỀN QUỐC TẾ CHO DOANH NGHIỆP

VIETBANK TRIỂN KHAI COMBO PHÍ CHUYỂN TIỀN QUỐC TẾ CHO DOANH NGHIỆP

VnMoney 09:33

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) ưu đãi phí thanh toán quốc tế, tư vấn thủ tục chuyển tiền và nhiều ưu đãi khác nhằm tạo thêm các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Fintech và AI đưa tài chính số tới mọi người

Fintech và AI đưa tài chính số tới mọi người

Tài chính - Ngân hàng 14:44

Với niềm tin trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là yếu tố thay đổi "cuộc chơi", MoMo đã đầu tư mạnh mẽ, và hiện đội ngũ chuyên gia AI chiếm tới 1/3 nhân sự công nghệ, đem lại nhiều "quả ngọt" cho Fintech Việt này

VietinBank ra mắt gói tài chính xanh GREEN UP, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

VietinBank ra mắt gói tài chính xanh GREEN UP, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Tài chính - Ngân hàng 18:01

Tiếp nối chuỗi hoạt động thúc đẩy tài chính bền vững sau COP28, VietinBank ra mắt gói tài chính xanh GREEN UP với lãi suất và phí ưu đãi dành cho các phương án, dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.

VPBank – hành trình từ thấu hiểu đến cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

VPBank – hành trình từ thấu hiểu đến cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Tài chính - Ngân hàng 18:46

Sự gắn bó và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà còn xuất phát từ cách doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng, xây dựng hành trình trải nghiệm để mang lại những giá trị tích cực.

VPBank và FE CREDIT hợp tác chiến lược với FPT Shop

VPBank và FE CREDIT hợp tác chiến lược với FPT Shop

Tài chính - Ngân hàng 19:01

Ngày 8-12-2023, VPBank và FE CREDIT đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác với FPT Shop - Chuỗi cửa hàng bán lẻ trực thuộc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT nhằm đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm các thiết bị công nghệ, điện máy gia dụng dễ dàng, nhanh chóng với nhiều ưu đãi hơn.