Theo cô Lê Thị Mỹ Lệ, chủ nhân của quán, cho biết ngay từ thuở nhỏ cô đã được ba truyền lại cho nghề tráng bánh, suốt gần 35 năm qua sáng nào cô cũng dậy từ 5 giờ, bắc bếp lên tráng và bắt đầu bán cho đến 21 giờ đêm mới dọn hàng. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại hàng ngày.
Khi hỏi cô về tên gọi vì sao quán có tên là “ Bánh ướt Cây Me”, cô tâm sự: “Đoạn đường Đồng Khởi trước đây trồng rất nhiều me để che bóng rợp mát, nhà của cô lúc đó còn lụp xụp lắm, không được khang trang như giờ, phía trước có một cây me to, khách thường hay lấy cây me để gọi tên cho quán. Sau này do đường sá phát triển, cây me bị đốn trụi nhưng khách quen tên nên cô lấy luôn làm thương hiệu”.
Điểm đặc biệt của bánh ướt Cây Me so với nhiều quán bánh khác trong thành phố là bánh của quán được tráng ngay tại chỗ. Chính vì thế, khách đến ăn vừa được xem quá trình làm bánh lại vừa có thể ăn được bánh nóng.
Bánh ướt Cây Me có hương vị khác với nhiều nơi, miếng bánh trong, mỏng, dai, ăn vào còn cảm giác phảng phất hương thơm của các loại bột được pha trộn. Chia sẻ bí quyết để có được miếng bánh ướt ngon, cô Lệ cho biết: “Nguyên liệu chính làm bánh ướt là bột gạo pha chung với bột lọc theo một tỉ lệ nhất định, sau khi pha, bột được tráng thành một lớp mỏng trên nồi hơi đã được căng một tấm màn mỏng, sau đó đậy bánh lại hấp trong vòng từ 1 đến 2 phút. Khi bánh chín, giở nồi hơi ra và dùng một thanh cây dẹt nhanh tay giở bánh”.
Một điểm đặc biệt khác nữa ở Bánh ướt Cây Me đó là tất cả nguyên liệu từ chả lụa, giò thủ, thịt nướng, chả chiên, đậu phộng đến nước chấm đều do quán tự làm nên mang một nét rất riêng, không giống với các quán bánh ướt khác.
Chỉ với 30 ngàn đồng thực khách đã có một dĩa bánh ướt ngon, nóng hổi và thơm phức. Ngoài bánh ướt là món chính, quán còn bán thêm bánh giò, chả lụa, bánh cuốn với giá rất mềm nên khách ra vô nườm nượp.