1. Cái “móc” trong nhà vệ sinh là một vật nhỏ, thậm chí rất nhỏ, gắn lên cánh cửa hoặc bức tường, để người đi vệ sinh... máng, treo ba lô, túi xách. Ai đi du lịch cũng thường mang ba lô, túi xách, thường vào các nhà vệ sinh và ở ta, thường gặp tình trạng... không có cái móc nào. Đeo trên người thì vướng víu, để xuống nền thì sợ dơ bẩn.
Du khách nước ngoài "homestay" ở Sapa. Ảnh sapatoursfromhanoi.com
Thiên hạ giàu, nhà vệ sinh có cả bàn, kệ. Ta nghèo, nhưng chẳng lẽ không có nổi cái móc nhỏ? Nhưng do quán tính, cho rằng chuyện nhỏ, chẳng chết ai nên ít để ý. Nhà tư vấn thiết kế thì lo chuyện hoành tráng, nhà quản lý thì bận đong đếm chi phí - lợi nhuận.
2. “Welcome drink” là màn đón khách với khăn lạnh và nước uống, thường là nước suối, nước trái cây ép đóng hộp hoặc bột pha, chỉ có trong những khách sạn và resort cỡ 4-5 sao. Giá thành dịch vụ này chừng vài ngàn đồng, quá nhỏ so với giá phòng, giá ăn nhưng tăng thêm giá trị sản phẩm. Vậy mà có những khách sạn cao cấp của người Việt cắt luôn khoản này.
Trong khi đó, Tết vừa rồi, nghỉ đêm kiểu “homestay” (ngủ tại nhà người dân) ở miền Bắc, khách nào cũng ngạc nhiên, hài lòng, gắn sao cho thái độ phục vụ. Chỗ ngủ tươm tất, sạch sẽ, giá chỉ 80.000 đồng mỗi người. Thú vị nhất là sự chân chất và hiếu khách của gia chủ. Khách vừa vào cổng là các cô gái dân tộc “welcome drink” bằng khăn lạnh và trà gừng, chi phí chưa tới 1.000 đồng.
Dịch vụ “home” (nhà) không có sao nhưng thái độ phục vụ cỡ... năm sao. Người dân tộc miền núi ít học nhưng làm homestay thì phục vụ du khách rất chu đáo. Nghĩ đến những gương mặt dửng dưng, có khi như mất hồn của nhiều người làm dịch vụ du lịch ở miền xuôi mà ngán ngẩm.
3. Nhớ lần đến khu du lịch Yangbay ở Khánh Hòa. Sau khi tham quan, tắm thác đã đời nhưng rã rời và đói meo, đến khi ngồi vào bàn ăn, chợt sững người vì mấy chuyện nhỏ. Trên mỗi bàn ăn có cây ớt kiểng bé tẹo, chi chít quả xanh đỏ- loại ớt “cứt chim”, trái bằng đầu tăm, cay xé lưỡi. Cây ớt làm một công đôi việc. Vừa làm kiểng cho dịu mắt, vừa phục vụ trực tiếp, khách có thể chọn và tự hái ớt để dầm nước mắm hay cắn ăn tùy thích. Ngon gấp mấy lần cả chén ớt ở nhiều quán khác! Thực đơn thì được viết bằng bút dạ trên lá bồ đề gắn ngay chậu ớt. Khách tò mò, bàn tán, gọi món ăn.
Trong khi chờ đợi thì sôi nổi bàn tán về những tên gọi ngộ nghĩnh như canh vợ chồng (bầu nấu tôm), cơm hàng xóm (cơm chiên nồi đất), đà điểu kéo pháo (lagu đà điểu nấu ống tre), võ sĩ giác đấu (cua rang me), cá sấu kung fu (chân cá sấu chiên nước mắm), bò tắm bùn khoáng (bò nhúng mồng tơi), bò ngủ đông (đùm bắp cải), ngọc trong đá (khoai nướng), heo rừng xuống phố (heo rừng nuôi hấp tái)...
Những việc nhỏ nói trên không tốn tiền, chỉ mất công suy nghĩ và chọn lọc nhưng đều làm gia tăng giá trị sản phẩm.
Làm du lịch rất cần sự... tinh tế! Đó là sự chăm chút từ những chuyện nhỏ, hay khái quát rộng ra nữa là tư duy tối ưu hoá tiện ích cho du khách. Nào là khóm hoa, thảm cỏ, cây xanh, băng ghế ngồi nghỉ chân, chỗ che mưa chắn nắng trên đường đi, ổ cắm sạc pin, kết nối wifi, sọt rác, mắc treo áo khoác, áo mưa... Lớn hơn là khu vệ sinh thoáng, sạch, đặt sao cho vừa không quá lộ, vừa dễ tìm. Đó chỉ mới là phần xác, còn phần hồn càng phải chú trọng nhiều hơn. Từ sự đon đả chào mời của người bán vé, bảo vệ cổng... nội dung thuyết minh đầy đặn thông tin và lửa nhiệt tình của hướng dẫn viên..., đến sự chuyên nghiệp và chu đáo của người bơi xuồng, lái xe điện; cáp treo...Cả lời hỏi thăm, chúc sức khỏe, cám ơn, xin lỗi, chúc thượng lộ bình an và hẹn ngày gặp lại của quản lý dịch vụ...
Chỉ những quản lý biết và dám tự hào về công việc của mình, mới thấy khó chịu khi chỗ này rác rưới, chỗ kia hoa héo cỏ tàn, vòi nước bị hư, chậu rửa cáu bẩn; mới thấy nặng lòng khi nhân viên của mình phục vụ không tốt, lời ăn tiếng nói thiếu lịch sự ; mới nghĩ ra cách cải thiện và khắc phục hiệu quả.
Trước khi nghĩ đến chuyện hoành tráng, hãy bắt đầu từ chuyện nhỏ, thật nhỏ!