Sau nửa thế kỷ kể từ thời các chất có cồn được coi là thứ "thuốc độc", hình ảnh những người phụ nữ trẻ với chiếc váy ngắn mang các chai bia Tiger ra chiếc bàn đông đúc thanh niên trẻ tuổi đã không còn hiếm gặp.
"Uống bia là điều thiết yếu tại Việt Nam", Nguyễn Nhật Trường, một nghiên cứu sinh 26 tuổi chia sẻ. Anh cùng những người bạn của mình thường ghé qua một quán ăn ngoài trời tại ngoại ô TP HCM để uống những cốc bia với giá chưa đến nửa USD. "Chúng tôi có nhiều thời gian rảnh, nhưng không có quá nhiều hình thức giải trí, vì thế chúng tôi uống bia", Trường cho biết.
Thị trường bia Việt Nam đang là tầm ngắm của nhiều hãng bia trên thế giới. Ảnh: Bloomberg
Trong một báo cáo mới công bố, Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia". Kế hoạch bán phần vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty bia sẽ mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường và hâm nóng cuộc chơi này.
"Không có nhiều thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng như tại Việt Nam", John Ditty, một lãnh đạo tại bộ phận tư vấn của KPMG Việt Nam cho biết.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn Nhà nước ngay trong tháng 7, và khi được Bộ Công Thương phê duyệt, quá trình thoái vốn sẽ được thực hiện trong năm nay.
"Việc thoái vốn Nhà nước sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sự ảnh hưởng về mặt địa lý, đặc biệt là những công ty đang có sự hiện diện tại Việt Nam", John Ditty nhận định.
Heineken, Anheuser-Busch InBev NV, Asahi Group Holdings và Kirin Holdings là một số cái tên nổi bật trong danh sách những nhà đầu tư quan tâm đến đợt thoái vốn tại Sabeco sắp tới.
"Châu Á và châu Đại Dương là những thị trường trọng tâm được hướng tới, và chúng tôi cũng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của thị trường này", phát ngôn viên của Kirin Holdings tại Tokyo cho biết.
Cuối tháng 8 năm ngoái khi Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phải thực hiện các bước thoái vốn tại hai doanh nghiệp này, Bộ đã ước tính phần vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ đạt 1,8 tỷ USD, còn Habeco khoảng 404 triệu USD.
Cổ phiếu SAB của Sabeco đã tăng 11% trong tuần vừa qua sau khi có thông tin thoái vốn, trong khi cổ phiếu BHN của Habeco tăng 7%.
Carlsberg, đơn vị sở hữu 17,5% vốn tại Habeco cho biết họ có quyền ưu tiên mua cổ phần tại tổng công ty này khi Nhà nước thoái vốn và đã có những cuộc đàm phán căng thẳng với Bộ Công Thương về vấn đề này.
"Chúng tôi đang tìm cách để mua được cổ phần của Habeco", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Carlsberg - Cees't Hart cho biết trong cuộc họp với các nhà phân tích và giới đầu tư hồi tháng 5 sau chuyến đi đến Việt Nam.
Theo dữ liệu của Euromonitor, thị phần của Carlsberg đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây do sự mở rộng của Heineken. Trong khi nhà sản xuất bia từ Hà Lan - Heineken đã ghi nhận doanh số tăng hơn 10% trong năm 2016 nhờ dòng sản phẩm Tiger.
"Việt Nam đã giúp lợi nhuận từ khu vực châu Á của Heineken tăng 27%", Jean-Francois van Boxmeer - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Heineken cho biết.
Còn với Sapporo, Việt Nam chiếm một nửa doanh số bán bia tại thị trường nước ngoài của nhà sản xuất này. Theo ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc của Sapporo Holdings, doanh số tiêu thụ bia tại Việt Nam có thể đạt 6 tỷ lít trong vài năm tới.
Theo Euromonitor, tầng lớp trung lưu và dân số trẻ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bia, ước tính quy mô khoảng 147.200 tỷ đồng vào năm 2016 (khoảng 6,5 tỷ USD). Mức tiêu thụ theo đầu người dự kiến sẽ đạt 40,6 lít trong năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia đừng đầu Đông Nam Á.
"Việt Nam sẽ trở thành thị trường đáng chú ý. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2021", báo cáo của Euromonitor về thị trường bia khu vực châu Á Thái Bình Dương viết.
"Khi uống bia, chúng tôi cảm thấy thư giãn", Nguyên Nam, nhân viên tư vấn tín dụng 27 tuổi chia sẻ. Vào buổi tối, những thực khách đến với ẩm thực đường phố bên những chiếc ghế nhựa và những tiếp viên nữ trong bộ váy được trang trí bằng biểu tượng của đủ các nhà sản xuất bia trong nước và quốc tế.
"Việc kinh doanh ngày nay được quyết định trên bàn nhậu. Cứ mỗi lần chạm cốc là hợp đồng lại được kéo gần hơn một chút", Nguyễn Phú Quý, nhân viên ngân hàng 26 tuổi tâm sự.
"Tôi học được điều này từ sếp mình và ông ấy học được điều đó từ người sếp trước đó", Quý nói.