Nhất chạng vạng, nhì rạng đông
Đây là hai thời điểm khó quan sát nhất trong ngày. Chạng vạng là khi thời tiết chuyển từ sáng sang tối và rạng đông (bình minh) từ tối sang sáng. Việc thay đổi ánh sáng khiến mắt người rơi vào trạng thái quáng gà, nhìn vật thể không rõ. Để an toàn, tài xế nên giảm tốc độ, di chuyển chậm rãi.
Chạng vạng là lúc con người sau một ngày làm việc dễ mệt mỏi, ánh sáng yếu đồng thời đèn xe không giải quyết được vấn đề nên thường khó quan sát. Rạng đông là khi chuẩn bị mặt trời lên, thường là thời điểm khoảng 4-5 giờ sáng, lúc cơ thể theo sinh học chìm vào giấc ngủ sâu nhất, vì thế lái xe cũng gây mệt mỏi, khó quan sát.
Lên số nào, xuống số đó
Quy tắc khi đi đường đèo, không chỉ áp dụng cho xe số sàn mà cả số tự động. Khi lên dốc cần đi ở số thấp để tận dụng lực kéo, ngược lại khi xuống dốc cũng về số thấp để phanh động cơ ghìm xe đúng tốc độ. Nếu để số cao đổ dốc, xe theo quán tính trôi xuống rất nhanh, độ bám của lốp xe giảm, tài xế phải rà phanh liên tục, có thể dẫn tới nguy cơ mất phanh.
Nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng
Đây là thứ tự xe qua nơi giao nhau, theo đó:
Nhất chớm: xe chớm qua vạch, tức đã vào nơi giao nhau trước thì được đi trước, nếu cùng "chớm" thì xét đến "nhì ưu".
Nhì ưu: xe ưu tiên được đi trước. Xe ưu tiên theo luật định là các xe đi theo thứ tự sau: Chữa cháy - Quân đội - Công an - Cứu thương - Hộ đê... Sau xe ưu tiên xét đến "tam đường".
Tam đường: xe ở đường chính, đường ưu tiên thì được đi trước. Cuối cùng đến "tứ hướng"
Tứ hướng: thứ tự ưu tiên theo hướng đi, xe rẽ phải ưu tiên đi trước, sau đó tới đi thẳng, rẽ trái.
Mưa tránh trắng, nắng tránh đen
Đây là kinh nghiệm chọn mặt đường tùy thời tiết. Khi trời mưa, nếu mặt đường có ổ gà, nơi đó sẽ đọng nước, phản xạ ánh sáng tạo thành mặt gương lấp loáng, không nên đi vào nơi đó. Khi trời nắng, mặt đường sẽ sáng đều, những nơi tối (đen) hơn có thể là ổ gà hoặc có chất khác đổ trên mặt đường, nên tránh.
Bỏ chân ga, rà chân phanh
Tài xế mới luôn phải nhớ trong đầu, bất cứ khi nào không ga, phải chuyển sang để lên chân phanh, khi cần thiết sẽ đạp phanh được ngay. Thói quen này nên tập bằng cách đặt cố định gót chân phải, xoay kiểu chữ V di động giữa hai bàn đạp phanh, ga. Cùng ý nghĩa này, ở các tỉnh phía nam thường nói "buông chân ga, qua chân thắng".
Tiến bám lưng, lùi bám bụng
Để không đụng vào chướng ngại vật, tài xế cần nhớ tiến trái bám phải, tiến phải bám trái dành cho đường hẹp.
Đây là nguyên tắc khi di chuyển qua đường cong, cua nhiều, hẹp. Lưng và bụng được hiểu theo infographic dưới đây: