BS Phan Thiệu Xuân Giang là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, làm việc trong lĩnh vực lượng giá chẩn đoán và định hướng can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỉ. Hiện BS Giang đang là giảng viên thỉnh giảng môn Tâm lý học thần kinh, khoa Tâm lý học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM và giảng viên thỉnh giảng môn Tâm bệnh học phát triển, chương trình ngôn ngữ trị liệu, trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). Bác sĩ từng tu nghiệp tại Úc và Hoa Kỳ về lượng giá chẩn đoán và mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỉ có chứng cớ khoa học.
Thưa BS, cha mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu nào để xác định trẻ có rối loạn phổ tự kỉ hay không?
Những dấu hiệu báo động trẻ tự kỉ như: dưới 1 tuổi, trẻ không chú ý âm thanh hay giọng nói của người chăm sóc, không hóng chuyện, không cười với người lớn, thích để ý chăm chú đến những đồ vật có tính kích thích lặp lại như quay tròn, thích nhìn các ngón tay, không giao tiếp bằng ánh mắt.
Trẻ hơn 1 tuổi không có phản ứng hoặc phản ứng rất kém khi được gọi tên, không biết chỉ trỏ thể hiện yêu cầu, không nhìn theo hướng chỉ. Trẻ không giao tiếp mắt một cách đầy đủ, chậm về ngôn ngữ, không biết gật, lắc đầu để thể hiện đồng ý hay không đồng ý, không biết khoe, không biết rủ người khác chơi cùng.
Trẻ có dấu hiệu tự kỉ thường có hành vi lặp đi lặp lại hay đáp ứng quá mức hoặc dưới mức đối với các cảm giác như: thích chơi xoay với cái bánh xe, đẩy xe tới lui và nhìn chăm chú, thích sờ, thích gõ, thích ngửi, nhạy cảm thái quá, cho ăn gì cũng nhè ra, sợ các mùi hay sợ âm thanh có cường độ cao như tiếng máy khoan, máy xay sinh tố… Khi đó, cha mẹ nên đưa con đi khám ở những có nhà chuyên môn được đào tạo về đánh giá tự kỉ.
Vậy nguyên nhân "gốc rễ" nào khiến trẻ rối loạn phổ tự kỉ, thưa BS?
Rối loạn phổ tự kỉ được xếp vào nhóm rối loạn phát triển thần kinh. Tức là, trẻ bị rối loạn chức năng sớm của não, có thể liên quan yếu tố gen do di truyền trong gia đình hay đột biến trong quá trình mang thai, ảnh hưởng đến chức năng căn bản của não bộ như: động cơ xã hội, giao tiếp cử chỉ, giao tiếp mắt, biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, phối hợp lời nói và cử chỉ... Cha mẹ lớn tuổi sinh con cũng có nguy cơ trẻ bị tự kỉ cao hơn.
Thông tin cha mẹ nuôi con không tốt hay ông bà cho cháu coi thiết bị điện tử làm trẻ bị tự kỉ là sự tự gán ghép, cho đến nay chưa có chứng cứ khoa học.
Xin hỏi BS, cha mẹ phải làm gì khi biết con có rối loạn phổ tự kỉ?
Cha mẹ cần can thiệp sớm cho con ngay khi phát hiện. 3 năm đầu đời, tế bào thần kinh có tính linh hoạt, tùy biến cao nên trẻ có thể học được điều mới dễ dàng, đặc biệt là giao tiếp sớm.
Người làm can thiệp có chuyên môn sẽ dựa trên sự đánh giá phát triển của trẻ xem trẻ có điểm mạnh, yếu, có tiềm năng ở đâu để lên chương trình can thiệp sớm và phù hợp với mức phát triển và tiềm năng của trẻ.
Can thiệp sớm, có chứng cớ khoa học, đủ thời gian, có thể là mỗi ngày 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ liên tục thì sau vài tháng có thể thấy trẻ có tiến bộ. Sự tiến bộ của trẻ sau vài tháng can thiệp chỉ là bước đầu, cần kiên trì can thiệp lâu dài và lượng giá về phát triển lặp lại để có mục tiêu can thiệp phù hợp hơn cho giai đoạn phát triển mới.
Vậy cha mẹ đóng vai trò như thế nào trong việc đồng hành cùng con, thưa BS?
Cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc can thiệp điều trị rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ em. Nếu cha mẹ chủ động tham gia và đầu tư thời gian, kiến thức tìm hiểu chơi, tương tác, giao tiếp với con và tìm nhà chuyên môn có kinh nghiệm và can thiệp theo chứng cớ khoa học thì trẻ sẽ có tiến bộ.
Ngược lại, cha mẹ không chấp nhận vấn đề của con, không quan tâm, không tìm phương pháp khoa học, cha mẹ mâu thuẫn, gia đình có nhiều căng thẳng, không giao tiếp với con thì trẻ không tiến bộ, có khi còn nặng hơn.
Nhiều năm đồng hành cùng trẻ tự kỉ, BS thấy xã hội đã thay đổi nhận thức như thế nào về trẻ tự kỉ?
Phải nói rằng dự án Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em VN do PNJ và Quỹ BTTEVN khởi xướng và tổ chức trong suốt 5 năm qua là một hoạt động ý nghĩa, bổ ích và tạo được rất nhiều giá trị cho cộng đồng mà ở đây là hàng ngàn trẻ tự kỉ trên khắp Việt Nam.
Cụ thể, PNJ đã tổ chức xuất bản được những cuốn sách phục vụ kiến thức khoa học, chuẩn xác, hướng dẫn cho cộng đồng nhận thức đúng về rối loạn phổ tự kỉ như "Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ tại VN".
Hơn nữa, Dự án thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho trung tâm ở nhiều tỉnh thành để nâng cao nhận thức về trẻ tự kỉ cho người làm trong các lĩnh vực. Chương trình đã góp phần to lớn trong việc đưa kiến thức sâu rộng vào trung tâm và gia đình của trẻ tự kỉ.
Nhờ có nhiều thông tin khoa học mà cha mẹ và cộng đồng ngày càng sáng suốt tìm các giải pháp có chứng cớ khoa học, có chiến lược hành động để đồng hành cùng con. Phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng khoa học có thể giúp trẻ tiến bộ nhiều.
Xin cám ơn Bác sĩ!