Ở tuổi 31, chàng thanh niên Nguyễn Văn Lợi (ngụ xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chưa bao giờ mường tượng có ngày phải nằm một chỗ.
Cứu cánh cho người bệnh
Cách đây gần 1 năm, Lợi làm công nhân xây dựng ở TP HCM, không may trượt chân ngã từ tầng 4 xuống đất. Vụ tai nạn lao động đã đẩy cậu thanh niên đang ở tuổi sung sức nhất cận kề cái chết. Điều trị cả tháng trời tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) với chi phí khoảng 120 triệu đồng, Lợi được quỹ BHYT chi trả. Xuất viện cùng chiếc xe lăn, đến tháng 10-2018, Lợi lại phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) điều trị hơn 1 tháng nữa do nhiễm trùng huyết. Số tiền 73 triệu đồng chi phí điều trị của Lợi tiếp tục được quỹ BHYT chi trả. "Thời điểm bị tai nạn, Lợi mới đi làm được khoảng 8 tháng, số tiền tích lũy chỉ hơn chục triệu đồng, gia đình lại thuộc hộ cận nghèo, nếu không có quỹ BHYT chi trả, chắc chắn em tôi không có cơ hội được cứu sống" - chị Phan Thị Tâm, người thân của Lợi, chia sẻ.
Chi phí điều trị của Lợi được quỹ BHYT chi trả
Phát hiện u tủy cách đây không lâu, phải điều trị kéo dài nhưng chị Phạm Thị Lan (ở xã Xuân Ninh, tỉnh Quảng Ninh) phần nào cảm thấy an tâm vì được quỹ BHYT chi trả gần 150 triệu đồng viện phí từ đầu năm đến nay. "Trước đây, tôi đã nghe nhiều về chính sách BHYT nhưng vẫn nghĩ đó là một điều gì đó xa xôi, không quá cần thiết với bản thân mình. Nhưng giờ đây, tấm thẻ BHYT đã cứu cánh và cho tôi thêm niềm tin, niềm hy vọng để chống chọi với căn bệnh này" - Lan tâm sự.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Lợi được quỹ BHYT chi trả gần 200 triệu đồng trong quá trình điều trị bệnh
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình, đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp bệnh nhân được BHYT chi trả với số tiền viện phí lớn. Với việc truyền thông về lợi ích của thẻ BHYT nên ngoài những trường hợp được nhà nước hỗ trợ, nhiều trường hợp đã tham gia BHYT tự nguyện. Tới nay, số người tham gia BHYT tại Quảng Bình là 788.048 người, đạt 94% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Để thuận lợi cho người dân, nhất là người dân các xã vùng sâu, vùng xa, BHXH tỉnh đã cử cán bộ giám định thường trực tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT để giám định và kịp thời giải quyết các vướng mắc về chế độ KCB cho người bệnh BHYT. Trong 7 tháng năm 2019, BHXH tỉnh Quảng Bình đã thanh toán chi phí KCB cho 544.000 lượt người.
Chi cả chục tỉ đồng cứu người bệnh
Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh toán đa tuyến và giám định BHYT khu vực phía Bắc của BHXH Việt Nam, cho biết quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng, như chiếc phao cho các bệnh nhân khi phải vào viện, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng, điều trị dài ngày. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn ở sự sẻ chia giữa người mạnh khỏe và người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, từ năm 2017 đến tháng 6-2019, bệnh nhân Phan Hữu N. (35 tuổi; ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) mắc bệnh về máu hiện điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỉ đồng.
Ngoài bệnh nhân N., từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều bệnh nhân cũng được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hàng tỉ đồng. Trước đó, năm 2018, quỹ BHYT đã chi trả tiền KCB cho hàng ngàn trường hợp bệnh với chi phí từ 200 triệu đến hơn 1 tỉ đồng. "Qua những trường hợp này có thể thấy với số tiền mua thẻ BHYT hiện là 800.000 đồng/năm khi chẳng may ốm đau, bệnh tật người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền KCB lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này" - ông Trung nói.
Một chuyên gia y tế cho biết tác dụng của tấm thẻ BHYT có thể thấy rõ nhất ở những bệnh nhân chạy thận. Cách nay chỉ hơn chục năm, những người mắc bệnh thận phải chạy thận coi như lãnh án tử. Khi bệnh nhân không còn khả năng chi trả thì cũng là lúc phải ra đi. Từ khi có BHYT chi trả, những bệnh nhân nghèo phải chạy thận được thắp lên hy vọng sống và làm việc.