Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu (ĐB) Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết chính sách pháp luật BHYT đã đạt kết quả tích cực, tỉ lệ bao phủ BHYT đã đạt 88,9% (tính đến tháng 4-2019). Tuy nhiên, để đạt được BHYT toàn dân, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ một số nhóm tham gia BHYT.
Người nghèo tham gia BHYT chưa nhiều
Đánh giá của ĐB Ma Thị Thúy cho thấy trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đã đạt được những kết quả tích cực. Người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững, thực hiện công bằng và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Tham gia BHYT, sức khỏe người dân được chăm sóc tốt hơn
Theo đó, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy đến tháng 4-2019, số người tham gia BHYT toàn quốc đạt 83,82 triệu người, tỉ lệ bao phủ 88,9%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Cụ thể: Luật BHYT quy định các đối tượng là học sinh - sinh viên, người thuộc hộ gia đình cận nghèo; nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, thực tế đối tượng này tham gia chưa nhiều; nhóm cận nghèo, học sinh - sinh viên chỉ đạt 20,4%; nhóm hộ gia đình đạt 18,2% trên tổng số người tham gia BHYT. Mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 30% chi phí song do kinh tế gia đình chưa bảo đảm nên việc tham gia BHYT của các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, hiện chưa có quy định nếu 100% thành viên trong hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp tham gia BHYT thì được giảm mức đóng như đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT.
Tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm cận nghèo
Để sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, ĐB Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách, trong đó tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng trên từ 30% lên 50%; quy định hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp nếu 100% thành viên tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối với hộ gia đình. Bên cạnh đó, về kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học, hiện nay một số cơ sở giáo dục chưa được hưởng nguồn kinh phí này, nhất là các cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân là do những cơ sở này không bảo đảm tiêu chí về cơ sở vật chất và tiêu chí về nhân viên y tế học đường; dẫn tới việc phân bổ và sử dụng Quỹ BHYT còn vướng mắc. Do vậy, ĐB Thúy đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo BHXH Việt Nam, dự kiến từ ngày 1-7-2019, lương cơ sở tăng thêm 7,19%, do đó mức đóng BHYT theo hộ gia đình cũng sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng. Như vậy, mức đóng BHYT của tất cả thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình phụ thuộc vào mức lương cơ sở. Theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP, mức lương cơ sở hiện nay là 1,39 triệu đồng. Theo Nghị quyết 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng (tương đương mức tăng 7,19%) từ ngày 1-7-2019. Do đó, từ thời điểm này, khi đóng BHYT của tất cả thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới là 1,49 triệu đồng/tháng. Mức đóng (theo tháng) cụ thể như sau: người thứ nhất đóng 67.050 đồng; người thứ hai đóng 46.935 đồng; người thứ ba đóng 40.230 đồng; người thứ tư đóng 33.525 đồng và từ người thứ năm trở đi đóng 26.820 đồng/tháng.
Một bệnh nhân được Quỹ BHYT chi gần 13 tỉ đồng
Theo đại diện BHXH Việt Nam, một bệnh nhân nam (35 tuổi, ở Vĩnh Long) mắc bệnh về máu, 3 năm nay đã được Quỹ BHYT thanh toán tổng cộng gần 13 tỉ đồng. Bệnh nhân này mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Năm 2017, nam bệnh nhân được Quỹ BHYT thanh toán hơn 4,5 tỉ đồng chi phí điều trị; năm 2018 trên 7 tỉ đồng và 5 tháng đầu năm nay gần 1,4 tỉ đồng. Tổng số tiền điều trị được Quỹ BHYT thanh toán từ năm 2017 đến tháng 5-2019 là hơn 12,9 tỉ đồng. Đây là bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả cao nhất, đến nay.