Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức ngừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, thị trường ngoại hối vẫn khá ổn định, giá USD trong các NH thương mại phiên cuối tuần giảm nhẹ so với những ngày trước. Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng việc dừng cho vay ngoại tệ với nhóm DN xuất khẩu sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng.
Doanh nghiệp mất nguồn vay rẻ
Theo Thông tư 24/2015 của NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, từ ngày 31-3, nhóm DN vay ngoại tệ sau đó bán lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất sẽ không được tiếp tục vay. Ba nhóm đối tượng khác gồm DN vay ngắn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia và cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu vẫn tiếp tục được vay ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô la hóa nền kinh tế Ảnh: Hồng Thúy
Một số DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ cho rằng việc ngừng cho vay ngoại tệ sẽ làm họ mất nguồn vốn vay giá rẻ. Bởi lâu nay, các DN này thường vay ngoại tệ ngắn hạn rồi chuyển thành tiền đồng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, bao gồm cả trả lương cho công nhân. Từ sau ngày 31-3, những DN xuất khẩu này sẽ phải vay bằng tiền đồng cho các nhu cầu trong nước với mức lãi suất cao hơn vay ngoại tệ. “Trước đây, nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên NHNN quy định nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ để hỗ trợ DN. Nay, nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trở lại và cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa cầu chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán nên NHNN đã thu hẹp các đối tượng vay ngoại tệ” - ông Bùi Quốc Dũng giải thích.
Theo thống kê của NHNN, hiện số lượng DN vay ngoại tệ trong nhóm này không còn nhiều, nhất là khi chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD không còn lớn như trước và kỳ vọng điều chỉnh tăng tỉ giá cũng không nhiều.
Tăng tính ổn định thị trường ngoại hối
Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhìn nhận việc hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô la hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN và Chính phủ thời gian qua. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm ngoái và 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế cũng hồi phục nên việc ngừng cho vay là hợp lý. NHNN muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của tiền đồng và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.
Có điều với quy định này, những DN không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VNĐ. Lãi suất cho vay bằng tiền đồng chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay ngoại tệ khiến chi phí vay vốn của DN tăng. Tuy nhiên, theo ông Hải, mặt bằng lãi suất vay bằng tiền đồng đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất vay USD và VNĐ hiện không quá lớn. Các NH cần chuẩn bị nguồn vốn tiền đồng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang.
Vì sao không nên duy trì quy định này thêm một thời gian để hỗ trợ các DN nhiều hơn? Ông Phạm Hồng Hải cho rằng quy định này đã được gia hạn một vài năm nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho DN và kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng giờ đã đến lúc NHNN bắt đầu thực thi quy định để từng bước thực hiện lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế.
Theo NHNN, diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy các chính sách đồng bộ về giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, kiểm soát chặt các nhu cầu cho vay đã mang lại kết quả tích cực. Thị trường ngoại tệ và tỉ giá ổn định, nguồn cung dồi dào, các nhu cầu hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. |
VŨ PHONG