Theo ACB, Khung tài chính bền vững là bộ khung dành cho hoạt động tín dụng được ngân hàng hoàn thành theo các nguyên tắc trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội, được thiết lập bởi Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế (ICMA) và các Nguyên tắc cho vay xanh/xã hội được thiết lập bởi Hiệp hội Thị trường Cho vay (LMA), cũng như phù hợp quy trình nội bộ của ngân hàng.
Việc ban hành Khung tài chính bền vững cho thấy mục tiêu trọng yếu của ACB trong chiến lược kinh doanh, phát triển các cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính xanh mới nổi tại Việt Nam như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, công trình xanh… Điều này sẽ giúp ACB và các doanh nghiệp, đối tác đóng góp và cân bằng giữa các yếu tố kinh tế và môi trường - xã hội cũng như hạn chế được những rủi ro về môi trường và xã hội, cùng hướng tới tăng trưởng xanh của nền kinh tế.
Khung tài chính bền vững của ACB được xây dựng dựa trên bốn nguyên tắc cụ thể: Mục đích sử dụng nguồn vốn; quy trình đánh giá và lựa chọn dự án bền vững để phân bổ tài trợ hoặc tái tài trợ; quản lý nguồn vốn huy động; báo cáo, bao gồm báo cáo phân bổ và báo cáo tác động.
Tuân thủ các nguyên tắc quan trọng này sẽ giúp thiết lập các tiêu chuẩn cơ bản để ACB phát hành trái phiếu/khoản vay bền vững, đồng thời giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng thông qua các hoạt động tài chính có trách nhiệm và bền vững. Khung tài chính bền vững sẽ được thực hiện cùng với Chính sách đánh giá rủi ro Môi trường và Xã hội (E&S) của ACB.
Đầu năm 2024, ACB đã chủ động cung cấp gói tín dụng 2.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp thuộc danh mục Xanh/Xã hội nhằm mục đích tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 8-2024, ACB đã giải ngân 86% vốn của gói tín dụng Xanh/Xã hội.
Ông Ngô Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc ACB - cho biết, ngân hàng sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Về lâu dài, ACB sẽ đẩy mạnh nguồn vốn xanh theo Chính sách đánh giá rủi ro Môi trường và Xã hội (E&S).