Nhập lô hàng iPhone 5C khóa mạng Nhật Bản với giá tốt, anh N.V.T, chủ cửa hàng chuyên bán điện thoại di động xách tay ở quận 5, TP HCM cho biết, nó giúp kinh doanh khá khẩm hơn sau Tết. Trước đó, cửa hàng của anh dựa vào những mẫu di động Samsung, LG, Sky và iPhone 4, 4S.
iPhone 5C lock Nhật Bản làm ảnh hưởng đến nhóm điện thoại giá rẻ tại Việt Nam.
Theo anh T., từ khi iPhone 5C lock Nhật Bản "đổ bộ", những model hút khách như LG Vu 2, Sky A860, Samsung Galaxy S3 không còn là lựa chọn của khách hàng. Không chỉ với máy xách tay, một số máy chính hãng như Zenfone 4/5, Galaxy V, Xperia E4,... cũng ảnh hưởng đến doanh số.
"Nếu không nhập iPhone 5C khóa mạng, điện thoại Android tầm giá 3,5 triệu cũng khó bán hơn vì khách hàng tìm đến cửa hàng khác", Anh T. cho biết.
Nhiều chủ cửa hàng khác ở TP HCM đang bày bán hai phiên bản iPhone 5C. Hàng mới có giá 3,5 triệu và model qua sử dụng, bề ngoài gần như mới 2,9 triệu đồng. Mức này bao gồm SIM ghép.
Một vài cửa hàng khác trên đường Lê Hồng Phong cho biết, họ chỉ nhập số lượng ít và bán cầm chừng, giữ khách. "Lợi nhuận bán ra trên mỗi chiếc iPhone 5C khoảng 10%, chưa kể phải 'cõng' thêm chi phí bảo hành về sau", quản lý một cửa hàng ở đây nói.
Cửa hàng nhỏ cháy hàng, hệ thống lớn e dè
Nếu như iPhone 5C khóa mạng Nhật Bản giúp các cửa hàng nhỏ có doanh số tốt hơn trong mùa thấp điểm, thì tại các hệ thống lớn tại TP HCM, model này thiếu sức hút.
Trao đổi với Zing, đại diện một chuỗi kinh doanh di động có nhiều chi nhánh tại quận 10 cho biết, họ từ chối nhập bán iPhone 5C vì lợi nhuận không nhiều, ảnh hưởng đến sức mua của các máy Android chính hãng cùng tầm giá. Bản thân iPhone 5C khó sửa chữa và đổi trả cho khách về sau.
Nhiều hệ thống lớn cho biết, toàn bộ nhóm giá rẻ đang bán chậm. "Nguyên nhân do đây không phải là mùa di động bán tốt, không hẳn do iPhone 5C", đại diện một cửa hàng nói. Người này cũng cho rằng, họ không quan tâm đến bản khóa mạng từ Nhật, "nếu ảnh hưởng, nó cạnh tranh tới các địa chỉ xách tay. Hàng chính hãng vẫn có những lợi thế riêng".
Tuy nhiên, quản lý một cửa hàng trên đường 3/2 cho biết, một số người dùng hỏi về model trên. "Máy quốc tế bán chính thức có giá cao hơn 2 lần bản lock xách tay. Nhiều khách vào xem, hỏi mua hàng Nhật Bản, tuy nhiên chúng tôi chỉ bán máy chính hãng".
Trong khi đó, anh N.H., chủ một cửa hàng di động khu vực chợ Nhật Tảo, quận 10, TP HCM cho biết anh không chọn bán model này vì khách hàng ít lựa chọn máy khóa mạng. "Nếu như iPhone 5C bản quốc tế có giá thấp như máy lock, sức ảnh hưởng của nó đến thị trường có thể lớn hơn", anh H. chia sẻ.
Thị trường iPhone cũ và các sản phẩm khóa mạng vẫn sôi động trong mùa di động bán chậm. Sức hấp dẫn của thương hiệu khiến nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua máy iPhone cũ thay các sản phẩm mới khác cùng tầm tiền. Không chỉ iPhone 5C, các model cũ như iPhone 5, 4S thậm chí iPhone 6 khóa mạng cũng có mức giá tốt và nhiều nguồn nhập.
Với những máy khóa mạng, đặc điểm chung là người dùng phải sửa lại toàn bộ danh bạ bằng đầu số +84. Các thao tác như kiểm tra tài khoản, nạp tiền không thể dùng cách thông thường mà phải gọi đến một đầu số khác do nhà mạng cung cấp.