Thậm chí nới như chuyên gia Maribel Lopez thì 3D chỉ như một "tính năng" khuyến mại, xuất hiện trên điện thoại kể cả khi chẳng có ai yêu cầu sự tồn tại của nó.
HTC là hãng đầu tiên bán ra thị trường điện thoại 3D với "Siêu dế" EVO 3D và mạng di động Sprint Nextel đã rót không biết bao nhiêu tiền trong những quảng cáo gần đây để lăng xê công nghệ này. Không muốn bị qua mặt, LG Electronics cũng tung ra Thrill, mẫu dế 3D của riêng mình và phân phối qua mạng AT&T với giá 99,99 USD kèm theo hợp đồng dịch vụ 2 năm.
Tối qua, LG thậm chí đã tổ chức hẳn một buổi hòa nhạc với sự tham gia của ban nhạc rock Jane's Addiction để quảng bá cho Thrill. Điểm mấu chốt là các khán giả sẽ sử dụng Thrill để quay lại nội dung buổi hòa nhạc bằng định dạng 3D, sau đó các hình ảnh này sẽ được mổ xẻ, ghép nối lại thành một video clip 3D do người dùng tự tạo hoàn chỉnh. LG tuyên bố đây chính là "buổi hòa nhạc 3D do người dùng tự tạo đầu tiên trên thế giới".
Vào tháng 8 tới, LG cũng dự định sẽ tổ chức một giải thi đấu game 3D với sự hỗ trợ của hãng game di động Gamelof và trò bắn sung N.O.V.A phiên bản 3D. Tuy nhiên, chẳng ai rõ tất cả những sự "thổi phồng đình đám" này có dẫn tới kết quả hay không.
So với TV, smartphone có lợi thế hơn là kích cỡ màn hình nhỏ, đồng nghĩa với việc bạn có thể thưởng thức hiệu ứng 3D mà không phải đeo kính chuyên biệt. Nên biết rằng kính 3D với thiết kế cồng kềnh và giá thành đắt là một trong những rào cản chính ngăn người dùng sử dụng TV 3D một cách rộng rãi.
Mặc dù vậy, tính năng 3D di động vẫn nhận được phản ứng khá trái ngược từ cộng đồng công nghệ. Với EVO 3D, dù một số người dùng khẳng định hiệu ứng là khá rõ nét nhưng cũng không ít người cảm thấy ngán ngẩm. Trang blog Gizmodo thậm chí còn dè bỉu nặng lời "EVO 3D là chiếc điện thoại đầu tiên làm nhức mắt theo đúng nghĩa đen".
Còn chuyên gia Lopez thì khẳng định cô chưa thấy bất kỳ ai "phát điên với 3D đến mức phải mua bằng được một chiếc điện thoại".
Tuy nhiên, với LG thì Thrill mang ý nghĩa nhiều hơn là một cuộc đổ bộ sớm sủa vào địa hạt 3D. Hãng tuyên bố mục tiêu của mình là "bán một mẫu smartphone chất lượng trước, còn tính năng 3D chỉ đứng hàng thứ hai". Nếu như EVO 3D có công tắc vật lý để tắt/bật hiệu ứng 3D thì Thrill có khu vực dành riêng cho 3D ngay bên trong điện thoại để ngăn cách 3D và 2D với nhau.
Dù các nhà phân tích tin rằng về lâu dài, 3D sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhất là với sự trợ giúp của thể thao và video game, nhưng họ đều nhất trí rằng, ngay tại thời điểm này, khi người dùng còn chưa mấy để tâm tới 3D hay không có 3D, thì các hãng nên tập trung cải tiến những tính năng cơ bản thì hơn. Chẳng hạn như màn hình phân giải cao và khả năng tiết kiệm pin sẽ có khả năng "hút hàng" hơn hẳn.
Lấy thí dụ, Samsung đã nổi bật trong các đối thủ khi liên tục cải tiến công nghệ màn hình AMOLED để có thể hiển thị màu sắc trung thực hơn trong khi vẫn tiết kiệm pin.