Nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn..., con người luôn muốn cải thiện điều kiện sống của mình và điều đó cũng chính xác với thế giới công nghệ. Trong khi mạng 3G vẫn đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên của mình trên toàn cầu thì các nhà sản xuất đã chuẩn bị giới thiệu đến người dùng mạng 4G. Nhưng đâu sẽ là giải pháp thống nhất cho nhiều chuẩn mạng với các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật khác nhau trên toàn thế giới? Liệu sẽ có một chuẩn mạng thống nhất trong tương lai hay không?
Các “đại gia” ủng hộ
Nhiều nhà mạng trên toàn thế giới có lẽ đã tìm ra giải pháp chung khi chính thức xác nhận về việc triển khai hoặc chuẩn bị cho mạng LTE. Những nhà cung cấp thiết bị đầu cuối cũng hứa hẹn sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm phục vụ hệ mạng 4G này.
Telstra (Úc) là một trong những nhà mạng đầu tiên trên thế giới chính thức xác nhận về việc triển khai LTE của mình một cách rộng rãi. Theo nhà mạng này, họ sẽ thử nghiệm LTE từ cuối năm 2011 tại khu vực trung tâm các thành phố lớn của Úc. Song song đó, Ericsson có thể là nhà sản xuất thiết bị đầu tiên phát triển các hạ tầng phục vụ hệ thống mạng trên tần số 1.800 MHz. Và Sierra Wireless cũng sẽ đưa ra thị trường các thiết bị “lưỡng tính” hỗ trợ người dùng tương thích ngược với hệ mạng 3G khi ra khỏi vùng phủ sóng LTE.
Đại diện các nhà mạng với số thuê bao lớn nhất thế giới như China Mobile (Trung Quốc) hay Bharti Airtel (Ấn Độ) đã liên kết thành lập nhóm phát triển chuẩn LTE gọi tắt là GTI. Chủ tịch Softbank (Nhật) Masayoshi Son cho biết nhà mạng này cũng ủng hộ việc đưa LTE trở thành chuẩn mạng thế hệ tiếp theo dựa trên các ưu điểm giá thành thấp, tốc độ mạng cao và hiệu suất tần số tốt hơn hẳn các hệ mạng khác. Ông cũng chỉ ra rằng số đông luôn đóng vai trò quyết định trong các vấn đề tương tự và vì thế với 2/3 dân số thế giới, khi hậu thuẫn cho LTE, các nhà mạng Châu Á gần như đã quyết định xong số phận của một chuẩn mạng 4G chung cho toàn cầu.
Song song đó, chuẩn WiMAX mới một năm trước đây vẫn được xem là có nhiều triển vọng dường như đang thất thế hoàn toàn. Chính nhà mạng Sprint (Mỹ) hỗ trợ chuẩn WiMAX thừa nhận đang xem xét các xu hướng công nghệ mới. Đại diện Sprint cho biết trong vòng 4-6 tháng tới nhà mạng này mới có thể có những kế hoạch cụ thể và xác nhận rằng LTE có thể sẽ được triển khai. Tuy nhiên, đại diện của nhà mạng nhấn mạnh rằng ngay trong trường hợp phát triển LTE thì chuẩn này sẽ là sự bổ trợ cho hệ truyền dẫn dữ liệu trong khi Sprint vẫn sẽ trung thành với chuẩn CDMA dùng cho đàm thoại truyền thống của mình.
Các nhà phát triển thiết bị và nội dung số nói gì?
Cũng tại MWC, RIM - nhà sản xuất nổi tiếng với sản phẩm BlackBerry - xác nhận kết nối LTE sẽ được trang bị cho dòng sản phẩm mới PlayBook của mình từ giữa năm 2011. “PlayBook là máy tính bảng chuyên nghiệp đầu tiên dành cho những người thực sự muốn hoàn tất mọi việc” - Đại diện RIM cho biết. Và với mong muốn giúp người dùng tận dụng được hết mọi chức năng của sản phẩm, một kết nối mạnh mẽ như LTE chính là yêu cầu không thể thiếu cho PlayBook.
Trong khi đó, với khoảng 170 thiết bị di động đang chính thức hoạt động trên hệ điều hành Android, Google ủng hộ mạnh mẽ LTE. Eric Schmidt - CEO của Google - cho rằng “LTE sẽ là nền tảng cho những ứng dụng mạnh mẽ mà hiện giờ chúng ta chỉ mới tưởng tượng đến”. Ông tin tưởng rằng thiết bị di động với hệ điều hành mở (như Android), điện toán đám mây, và hạ tầng LTE chính là những điều kiện đưa con người bước vào giai đoạn mới của sự phát triển công nghệ.
Ứng dụng truyền hình ảnh trên thiết bị di động hỗ trợ chuẩn LTE
LTE – Anh là ai ?
3GPP Long Term Evolution (LTE) là thế hệ mới nhất trong dòng phát triển của hệ mạng GSM/EDGE và sau đó là UMTS/HSPA. Song song với truyền dẫn đàm thoại, LTE hỗ trợ tốt cho việc truyền dẫn dữ liệu trên băng thông mạng. LTE hiện nay thường được dùng để gọi chung cho cả LTE và LTE Advance (tức 4G tiêu chuẩn).
Chuẩn mạng này được nhà mạng NTT DoCoMo của Nhật chính thức giới thiệu và ứng dụng đầu tiên trên toàn thế giới vào năm 2004. Tuy nhiên, do đặc thù riêng của sự phát triển công nghệ di động Nhật Bản, đến năm 2009, nhiều nhà cung cấp mạng viễn thông tại các nước khác mới công bố các kế hoạch phát triển LTE của mình.
Ưu điểm của LTE là hoạt động tốt cả trong truyền dẫn tín hiệu đàm thoại lẫn dữ liệu với năng lực truyền dẫn dữ liệu cao, độ trễ thấp, dễ ứng dụng, kết cấu đơn giản với giá thành thấp và nâng cao tính năng ứng dụng cho người dùng cuối. LTE cũng hỗ trợ kết nối liền lạc với các hệ thống thế hệ trước như GSM, cdmaOne, UMTS hay CDMA20.
Các thử nghiệm cho thấy trên mạng LTE, trong mỗi ô mạng 5 MHz, 200 người dùng có thể cùng lúc truyền tải dữ liệu và vẫn đạt tốc độ tối ưu. Tính di động của LTE cũng được xem là một điểm mạnh khi đảm bảo truyền tải tốt ở tốc độ 350-500 km/giờ tùy vào băng tần mạng. Ngoài ra, LTE còn hỗ trợ truyền tải tín hiệu truyền hình và được xem là có triển vọng thay thế cho hệ truyền hình DVB-H đang được ứng dụng trên thiết bị di động hiện nay.
LTE có thể hoạt động trên nhiều băng tần như 700 MHz (Verizon - Bắc Mỹ); 900, 1.800, 2.600 MHz (Châu Âu, Châu Á, Úc). Và đây có thể là nhược điểm trong thời gian đầu của hệ mạng này. Tương tự như GSM, nếu các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối không trang bị đủ các băng tần cho thiết bị di động, người dùng có thể sẽ gặp khó khăn khi sử dụng thiết bị mua ở một khu vực này tại khu vực khác. Tuy nhiên, nếu phát triển đúng tiến độ và trở thành chuẩn 4G thống nhất trên toàn thế giới, những vấn đề này có thể sẽ sớm được giải quyết và người tiêu dùng sẽ được hưởng đầy đủ những tiện ích LTE mang đến.
Với sự hậu thuẫn từ nhiều phía, LTE có thể sẽ rất nhanh chóng trở thành chuẩn mạng 4G thống nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển rất nhanh chóng của công nghiệp di động toàn cầu, người tiêu dùng có lẽ đã có thể bắt đầu đặt câu hỏi về sự xuất hiện của mạng 5G nào đó trong nay mai...