Ông Ngô Vi Đồng phát biểu tại hội thảo sáng 18-11
Tuy nhiên, theo ông Đồng, tình hình rủi ro về an toàn thông tin đang có xu hướng gia tăng. Nếu các doanh nghiệp không quan tâm đầy đủ và đầu tư đúng mức thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Các báo cáo, khảo sát của hơn 300 doanh nghiệp mà VNISA thực hiện đã phản ánh rõ nét hiện trạng và nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề an toàn thông tin, cũng như các sự cố mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.
Mới đây, hãng cung cấp các giải pháp bảo vệ an ninh mạng toàn cầu, McAfee, cũng công bố một kết quả nghiên cứu, trong đó cho thấy, các tên miền của Việt Nam đang trở thành miếng mồi béo bở cho tội phạm công nghệ.
Theo khảo sát của McAfee, khoảng 58% các trang mạng dùng đuôi .vn có chứa các đoạn mã xâm nhập. Khi truy cập các trang nguy hiểm đó, người ta có nguy cơ bị ăn cắp các thông tin nhạy cảm. Tổng cộng, có 6,2% trong tổng số 27 triệu trang mạng được đánh giá là có nguy cơ cao, nhiều hơn tỷ lệ 5,9% ghi nhận hồi năm 2009.
Các trang được đánh giá là có nguy cơ cao có thể chứa một số các phần mềm đột nhập, khai thác các lỗi lập trình để cài đoạn mã tấn công vào máy tính của người truy cập. Các trang khác có thể làm giả nhãn hiệu dược phẩm hay lưu giữ các hồ sơ nhiễm virus máy tính.
Năm 2009, các tên miền của Việt Nam chỉ đứng thứ 39 trên bảng xếp hạng nguy cơ toàn cầu. Năm nay, các tên miền của Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng khảo sát của McAfee về mức độ nguy hiểm (29,4%), chỉ xếp sau tên miền thương mại .com (31,3%) và .info (30,7%).
Cũng tham dự hội thảo sáng nay, hãng phần mềm Check Point cho biết, hiện ưu tiên lớn nhất đối với các nhà quản lý công nghệ thông tin là ảo hóa, điện toán đám mây và web 2.0.
Theo Check Point, đến năm 2012, một nửa năng lực tính toán của doanh nghiệp sẽ chạy trên môi trường ảo, nhưng 60% nhà quản lý công nghệ thông tin cho rằng, đảm bảo an ninh cho các máy ảo là một vấn đề khó khăn.