Đặc thù của một ngành kỹ thuật là chương trình học cần nhiều tính toán, công việc của người kỹ sư là phải đi theo công trình, công tác xa nhà thường xuyên. Công việc của người kỹ sư xây dựng nhìn chung là vất vả từ khâu tính toán, đo đạc, thiết kế đến thi công. Tuy nhiên, một mức thu nhập ổn định cùng nhiều ưu đãi, mang tính thử thách và sáng tạo cao, hứa hẹn một cuộc sống sung túc, ổn định sau khi ra trường cùng cơ hội được làm việc nhiều vị trí khác nhau.
Ngành xây dựng lên ngôi
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tư vấn việc làm, xây dựng là ngành đang lên ngôi bởi theo số liệu thống kê mới đây thì nhóm ngành này đang thu hút nhiều lao động nhất. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngành công nghiệp xây dựng nước ta đang chứng kiến những bước tăng trưởng doanh thu khá lạc quan trong những năm gần đây. Cụ thể, cuối năm 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng luôn đạt con số dương và tiếp tục có chiều hướng tăng nhanh. Theo Báo Xây dựng, ngành xây dựng năm 2013 có bước tăng trưởng cao về giá trị sản xuất, đạt hơn 770.000 tỉ đồng (tăng 7% so với năm 2012), chiếm tỉ trọng 5,94% GDP cả nước.
Mặt khác, việc Chính phủ ban hành nhiều chính sách phù hợp đã thực sự kích thích thị trường bất động sản tìm lại chính mình, qua đó thúc đẩy ngành xây dựng tăng trưởng. Ví dụ gói hỗ trợ vay vốn mua nhà 30.000 tỉ đồng giúp cho những công trình đình trệ được tái thi công, hay việc người nước ngoài có thể sở hữu căn hộ tại Việt Nam cũng là một tín hiệu đầy tích cực cho ngành xây dựng.
Nhiều sinh viên nữ cũng “nhảy” vào học ngành xây dựng - ngành được cho là kén nữ
Nhu cầu nhân lực cao
Công việc của nghề xây dựng có thể chia thành 3 nhóm: ngoài công trường, trong công xưởng và văn phòng. Ngoài công trường - nơi triển khai thi công sản phẩm xây dựng - bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công (hướng dẫn thực hiện toàn bộ hay một số loại công việc như đọc hiểu bản vẽ thiết kế; tính toán khối lượng phải làm; lập bản vẽ chi tiết… Trong công xưởng: kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm... Công việc văn phòng: chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các đơn vị kiểm toán xây dựng...
Theo số liệu thống kê của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), toàn ngành xây dựng đang có hơn 204.000 công nhân lao động, trong đó có tới hơn 90.000 người là cán bộ, viên chức trong các doanh nghiệp, tức là số lượng công nhân chỉ gấp hơn 2 lần số lượng cán bộ, viên chức.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết năm 2016 nhu cầu lao động ngành xây dựng tăng 375.000 người và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chính bởi thiếu nhân lực chất lượng cao, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi đậm để giữ chân những kỹ sư có trình độ, kinh nghiệm.
Mặt khác, năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động cũng được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỉ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành. Với tỉ lệ này, ngành xây dựng đang tồn tại tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Tại nhiều công trình lớn đang tồn tại cảnh lao động là người chưa qua đào tạo, lao động nông nhàn làm việc thay cho công nhân kỹ thuật. Chính vì thế, những cử nhân chuyên ngành xây dựng sau khi ra trường rất "có giá" và gần như chẳng bao giờ thiếu việc làm.
Các con số về lương bổng trên các trang tuyển dụng Việt Nam hiện nay dành cho các kỹ sư xây dựng cho thấy đó là những con số khá cao. Tùy vào trình độ và kinh nghiệm mà mức lương có thể dao động từ 300-1.000 USD. Bên cạnh đó, người kỹ sư có thể phát triển sự nghiệp ra cả thị trường nước ngoài. Lương kỹ sư xây dựng trên thế giới hiện nay rơi vào khoảng 80.000 USD/năm (hơn 1,7 tỉ đồng, theo USnews.com) - với mức lương này, các kỹ sư xây dựng hoàn toàn hài lòng và yên tâm về chất lượng cuộc sống của mình.