“Đến với cuộc thi, tôi đã định hướng cho bản thân về ngành nghề, việc làm và đó là nền tảng để tôi bắt đầu thực hiện ước mơ”. Thí sinh Huỳnh Ngọc Thiên An, học sinh Trường THPT Gia Định (TP HCM), đã chia sẻ khi vinh dự đoạt giải nhất tại cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Thành đoàn TP HCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tuần qua.
Hiểu thêm về nghề nghiệp
Ở vòng chung kết, trong phần thi “Phỏng vấn đồng nghiệp tương lai”, thí sinh Huỳnh Ngọc Thiên An đã đưa ra câu hỏi cho “đồng nghiệp” Phan Trần Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Microsoft Việt Nam: “Trong 3 yếu tố con người, khách hàng và sản phẩm thì yếu tố nào là quan trọng nhất để vận hành doanh nghiệp”. Với câu hỏi của mình, Thiên An đã được nghe ông Trần Anh chia sẻ đầy đủ và chân tình như những đồng nghiệp đang ngồi nói chuyện với nhau.
Thí sinh Huỳnh Ngọc Thiên An (thứ ba từ trái qua) trong niềm vui chiến thắng với giải thưởng là 75.000 AUD
Còn với câu hỏi “Nếu được thay đổi một điều gì đó trong chương trình đại học thì điều mà thầy nghĩ tới là gì”, thí sinh Nguyễn Mạnh Hiếu, học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền (TP HCM), đã được PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Phó trưởng Khoa Nhân học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, nhấn mạnh ở tinh thần tự học và vị trí của người thầy vẫn không bị mất đi. Ngoài ra, ông còn khuyên thí sinh nếu có ước mơ thôi thì chưa đủ mà phải biến ước mơ thành hiện thực. Riêng thí sinh Phạm Lê Song Ngân, Trường Lương Thế Vinh (Đồng Nai), trở nên nổi trội và am hiểu về ngành nghề mình lựa chọn khi đưa ra một số câu hỏi liên quan giữa việc học và công việc. Thí sinh đã được “đồng nghiệp” của mình là ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc điều hành FPT Software, trả lời và định hướng cho bạn làm sao để trở thành một lập trình viên giỏi trong tương lai.
Biến ước mơ thành hiện thực
Sau phần thi phỏng vấn, các thí sinh nhập vai xử lý tình huống và hùng biện về giá trị xã hội nghề nghiệp. Ban giám khảo như bị thuyết phục bởi một Thiên An xuất sắc khi giải quyết tình huống đối phó cùng đối thủ cạnh tranh bằng mô hình kinh doanh phố ăn vặt, phố đi bộ. Với phố ăn vặt, Thiên An không chỉ giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn trả lại cho đường phố những vỉa hè thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài ra, em còn thuyết phục ban giám khảo bằng địa chỉ hình thành khu ăn vặt ở quận 2, giá cả không quá cao, không khí thoáng mát, trong lành... sẽ là nơi lý tưởng cho những người muốn thưởng thức các món ăn đường phố.
Riêng Mạnh Hiếu thì lại hùng hồn khi đưa ra tuyên bố: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, làm sao để giải quyết với số lượng 200 triệu người chưa có việc làm, chưa định hướng được nghề nghiệp... tất cả đều bắt đầu từ nguồn nhân lực mà tương lai Mạnh Hiếu sẽ phải bồi dưỡng. Ngoài ra, Mạnh Hiếu còn nhấn mạnh sẽ đi làm, tiếp xúc với nhiều ngành, công ty trước khi em đứng trên bục giảng viên.
Không giỏi diễn đạt bằng ngôn từ, Song Ngân đã giúp mọi người nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông qua mô hình một chàng trai thanh toán tất cả chi phí của bản thân bằng thẻ tín dụng. Qua đó, Song Ngân nhấn mạnh được tầm quan trọng của các thiết bị hiện đại, công việc lập trình viên trong tương lai của mình. Ngân còn cho tất cả mọi người được biết phần mềm, mô hình học tiếng Anh do Ngân tự thiết lập.
Ông Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phó ban tổ chức cuộc thi - cho biết năm nay, ước mơ nghề nghiệp của thí sinh khá đa dạng, xuất phát từ đam mê của các em, từ độ lan tỏa của xã hội hiện đại. Điều đó cho thấy các em học sinh đã biết định hướng nghề nghiệp tương lai mà không còn bó hẹp trong một số ngành nghề theo chuẩn mực và thời thượng. |
Bài và ảnh: THANH ĐIỆP