Theo nhiều chuyên gia, để đối phó với đại dịch HIV/AIDS, trước đây hệ thống truyền thông đã xây dựng nhận thức trong cộng đồng về HIV/AIDS đồng nghĩa với "án tử", cùng nhiều biểu tượng xấu về đạo đức, lối sống. Trong khi đó, hiện nay với nhiều người sống cùng HIV, đặc biệt trẻ em có HIV, khi được điều trị đúng bài bản thì rủi ro lây bệnh cho người khác cực kỳ thấp. Hơn thế, trẻ có HIV vẫn có thể sống, học tập, làm việc bình thường, lớn lên vẫn có thể kết hôn, sinh con và con khỏe mạnh, không có HIV. Dẫu vậy, định kiến đã được xây dựng từ nhiều năm trước đây vẫn đeo bám dai dẳng và hạn chế nhiều cơ hội của trẻ có HIV.
Trong một buổi sinh hoạt của các trẻ
Gian nan đi học
Gần 10 năm tham gia hoạt động công tác xã hội cho trẻ em có HIV tại cộng đồng, chị Lê Thị Thái Uyên cho biết gặp nhiều ca khó vì định kiến của cộng đồng và của chính người trong cuộc. Theo chị Uyên, yếu tố tinh thần là rất quan trọng cho trẻ em có HIV khi điều trị. Dù chưa có phương thuốc chữa khỏi hẳn HIV/AIDS nhưng việc điều trị bằng thuốc ARV có thể coi là đặc hiệu vì giúp ức chế sự sinh sôi của virus, hạn chế lượng virus ở mức rất thấp, duy trì hệ miễn dịch ở trạng thái bình thường giúp người bệnh không nhiễm các loại bệnh cơ hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, người bệnh phải tuân thủ điều trị đầy đủ, đúng liều, đúng giờ mỗi ngày.
"Chưa nói đến việc điều trị lâu dài cho xa, có trường hợp phụ huynh biết mình và con có HIV là ngay từ đầu đã muốn tự tử. Nhiều trường hợp không được động viên đầy đủ khiến các em lơ là việc điều trị khiến virus kháng thuốc. Trẻ em có HIV cũng như bao trẻ khác, cũng vui buồn, ham chơi, cũng nổi loạn và dễ tổn thương tinh thần. Có bé hoàn cảnh éo le, cả gia đình không ai có nhưng em lại có, người thân lẽ ra phải là chỗ dựa lại phân biệt, xa cách khiến em buồn tủi" - chị Uyên cho biết.
Trẻ em có HIV được truyền thông bảo vệ bản thân và chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)
Hoạt động thường xuyên trong các bệnh viện nhi, theo chị Uyên, việc cắp sách đến trường của các em có HIV cũng là cả một vấn đề gay go. Nhiều nơi phụ huynh khi biết có trẻ có HIV học chung lớp với con mình thì làm áp lực bằng nhiều cách để các em phải nghỉ học. Do vậy nhiều em ở tỉnh xa, cha mẹ cũng phải đưa về TP HCM điều trị cho khuất mặt, kẻo bị người quen phát hiện rồi khó sống. "Có em không dám điều trị ở tỉnh nhưng phụ huynh lại bận việc không đưa đi được, 12 tuổi tự bắt xe đò, vượt mấy trăm cây số vào TP điều trị, nhìn mà thấy xót xa" - chị Uyên nhớ lại.
Khó khăn đi làm
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Lý Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, không chỉ khó khăn khi đi học, nhiều em cũng gặp khó khi tham gia thị trường lao động khi đã đủ tuổi lao động. Đặc điểm của các em khi được nuôi dạy tại các cơ sở bảo trợ là đa số mất cha mẹ, bị bỏ rơi hoặc nói chung là mất nguồn nuôi dưỡng. Đến 16 tuổi, nếu các em không tiếp tục học văn hóa thì các cơ sở không bảo trợ nữa, các em sẽ ra ngoài đi làm.
Thế nhưng, khi đi làm, thủ tục hồ sơ thường phải xác nhận hộ khẩu, trong khi nhiều em không xác nhận được nhân thân, đều có cùng một hộ khẩu chung tại cơ sở bảo trợ. Khi xác nhận xong cũng là để lộ bệnh của các em trên hồ sơ, khiến nhiều doanh nghiệp không nhận các em vào làm do kỳ thị. Điều này khiến hạn chế cơ hội việc làm của các em.
"Nếu bỏ qua chuyện lây nhiễm vì rủi ro rất thấp, các em vẫn đối mặt tiếp với định kiến của người khác vì yếu tố đạo đức. Nhiều người vẫn cho rằng người có HIV chỉ thuần túy là do lối sống, ma túy, lang thang, chơi bời... nên không dám nhận các em vào làm việc. Có ai hiểu được các em bị nhiễm từ nhỏ, là nạn nhân từ người lớn. Cuộc đời các em tự thân đã thiệt thòi hơn mọi người, thay vì bị kỳ thị rất cần những hỗ trợ và bao dung" - bà Thu cho biết.