Đều đặn cứ 2 ngày mỗi tuần, Lê Thị Thái Uyên, thành viên chương trình "Góp một bàn tay", lại có mặt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) để hỗ trợ, tư vấn cho phụ huynh và trẻ em có HIV. Phải có rất nhiều năng lượng để một người phụ nữ nhỏ nhắn có thể hoàn thành nhiều vai trò cùng lúc: vừa làm việc tại phòng khám vừa tham gia công tác xã hội, lại đi học thêm mỗi tối và chăm sóc con nhỏ. Thái Uyên chia sẻ: "Theo mẹ từ nhỏ trong các chuyến từ thiện, máu công tác xã hội nó đã ngấm vào người, quan trọng là mình cảm thấy vui trong công việc".
Ranh giới mong manh
Trực tiếp tham gia tư vấn và hỗ trợ cho nhiều trường hợp khó khăn, những chuỗi ngày hoạt động của Uyên là những cảm xúc lẫn lộn, buồn vui, khóc cười chợt đến rồi chợt đi. Nhiều trường hợp mới lạc quan vì đã tư vấn thành công hôm trước, chỉ một đêm sau trở thành nỗi buồn mênh mang. Có lần Uyên tư vấn cho một người mẹ qua điện thoại. Phát hiện hai mẹ con cùng có HIV, người mẹ trẻ đã toan cùng con tự tử. Vừa vui mừng vì đã thuyết phục được người mẹ hãy vì con mà điều trị nhưng vài hôm sau Uyên đã nghe người mẹ sụt sùi khóc vì con đã mất.
Nhóm hoạt động của chị Lê Thị Thái Uyên tặng quà cho các bạn nhỏ
"Con mất nghĩa là chị ấy cũng không còn động lực nào để sống nữa. Rơi nước mắt cùng người mẹ nhưng vẫn tiếp tục khuyên chị ấy hãy gửi cốt con vào một ngôi chùa ở TP HCM, cũng là động lực để chị trở lại TP điều trị và sau cùng chị ấy đồng ý, lại mừng. Cũng một trường hợp khác, 3 mẹ con cũng đòi tự tử, khuyên nhủ hết lời, người mẹ mới đồng ý sống và điều trị vì con. Vừa vui đó thì hay tin chị dắt con bỏ nhà đi vì chồng "quậy". Công việc cứ vậy, cảm xúc cứ lên xuống theo tháng ngày, ranh giới được mất rất mong manh" - Uyên chia sẻ.
Những ngày đầu mới hoạt động với Thái Uyên khá khó khăn vì cả cơ sở y tế lẫn trẻ có HIV đều không tin mình. Nhưng bằng sự dấn thân, hòa đồng, dần dà Uyên cùng nhóm tình nguyện trở thành điểm tựa tin cậy khi cả trẻ lẫn phụ huynh chấp nhận trải lòng, chia sẻ tâm tư. Trường hợp nào có thể, Uyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất cho gia đình trẻ vượt qua khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các hỗ trợ tư vấn, động viên tinh thần để trẻ có HIV tuân thủ việc điều trị.
"Tinh thần là rất quan trọng, mất tinh thần là mất hết. Với trẻ có HIV, tinh thần rất dễ hoang mang vì nhiều lẽ. Như bao trẻ khác, các em vẫn chưa biết thực sự mình muốn gì, nhiều bé vẫn không chấp nhận được hoàn cảnh của mình. Các tác động phụ từ thuốc điều trị, từ hoàn cảnh gia đình, từ sự kỳ thị của xã hội đều là những rào cản phải nỗ lực vượt qua" - Uyên cho biết.
Nhóm hoạt động của chị Lê Thị Thái Uyên đang sinh hoạt với các bạn nhỏ
Bên cạnh đó, chương trình "Góp một bàn tay" định kỳ thực hiện gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em có HIV tại các mái ấm cũng như điều trị tại các bệnh viện nhi. Chương trình nhắm tới việc hỗ trợ tiếp sức cho các em đến trường, vui trung thu cũng như vui xuân thời gian qua được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các nghệ sĩ. Uyên chia sẻ: "Vui nhất là con gái mình cũng thông cảm được ý nghĩa công việc mẹ làm, từ bà ngoại đến mẹ rồi đến cháu, cả nhà cùng yêu công tác xã hội".
Cần sự gần gũi và sẻ chia
Trong khi đó, nhiều năm lăn lộn với hoạt động, chị Nguyễn Thụy Thanh Vy, trưởng nhóm Hoa Cỏ May, cho biết tư vấn hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn khó khăn hơn nhiều so với người lớn, phải hết sức kiên nhẫn và biết cách lắng nghe mới có hiệu quả. Việc phát hiện có HIV làm ảnh hưởng đến toàn bộ dự định tương lai của nhiều em. Có trường hợp dự định hết lớp 12 thì du học nhưng rốt cục đành bỏ dở.
"Vừa qua, nhóm cũng hỗ trợ cho một số trường hợp chỉ 14 đến 15 tuổi phát hiện có HIV. Điều đáng nói là sự thiếu quan tâm khi phụ huynh chỉ lo đi làm khiến các em thiếu kiến thức để bảo vệ mình. Ở tuổi này, chia sẻ chuyện giới tính với cha mẹ đã khó, ở đây với các em có xu hướng đồng tính thì càng khó khăn hơn nên phụ huynh phải là những người bạn để xóa đi khoảng cách, chia sẻ với con em mình để nắm bắt những bất ổn" - chị Vy cho biết.
Một trong những vấn đề khó khăn là phải xác định lộ trình phù hợp để các em có thể chấp nhận và dần quen với tình trạng sức khỏe của mình. Nhiều trường hợp xác định một thời điểm thích hợp để nói chuyện với người thân cũng là cả một vấn đề. Nhiều trường hợp lên mạng tìm "bác sĩ Google" khi xem thông tin đủ loại mà không rõ nguồn gốc, đúng sai càng thêm rối. Chị Vy và cả nhóm phải thường xuyên tư vấn, kiểm tra và tìm những nguồn thông tin chính xác cho các bạn.
Bên cạnh tư vấn, truyền thông, hỗ trợ chăm sóc điều trị, chị Vy và cả nhóm còn mở rộng hoạt động thêm việc sàng lọc, theo dấu phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao trong cộng đồng.
Thanh Vy nói thêm: "Dù được hỗ trợ một phần từ các dự án tài trợ nhưng anh chị em trong nhóm đều phải sống bằng một công việc khác, hoạt động nhóm bằng nhiệt tình là chính. Dù vậy, nhưng khi đêm hôm cần tư vấn, hỗ trợ, anh em đều sẵn sàng. Năm qua, bằng nỗ lực chung, nhóm đã phát hiện thêm nhiều trường hợp có HIV tiềm ẩn. Quan trọng là hoạt động mang lại ý nghĩa cho cộng đồng".