Đây là khóa đào tạo của đề án đào tạo nhân lực vi mạch thuộc chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2013- 2020.
Hiệu quả đào tạo
Qua 10 tháng học tập và nghiên cứu, 15 học viên đã học chế tạo chip analog và khi hoàn thành khóa học đã tạo ra sản phẩm cụ thể: bản thiết kế lõi IP cứng Delta - Sigma Modulator (DSM) 24 bit. Bản thiết kế này được gửi đi chế tạo ở nước ngoài, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Ban chỉ đạo chương trình Phát triển vi mạch TP HCM tặng phần thưởng cho 2 học viên xuất sắc nhất là 2 kỹ sư Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Minh Hiếu.
PGS.TS Nguyễn Thanh Nam, Quyền Trưởng ban Khoa học công nghệ ĐHQGTPHCM tặng thưởng cho 2 học viên xuất sắc nhất
Đối tác Nhật Bản là Công ty CM Engineering (CME) đánh giá cao chất lượng đào tạo và đặt hàng ICDREC gia công chip analog. Theo đó, ICDREC sẽ gia công cho CME chip thu phát vô tuyến đa băng tần, đa hệ thống với công nghệ 65 nm. Toàn bộ học viên của khóa đào tạo này được ICDREC nhận vào làm việc để thực hiện dự án outsourcing cho CME. ThS Ngô Quang Vinh, Phó Giám đốc ICDREC, nói: “Việc CME đặt hàng gia công đã minh chứng tính hiệu quả của chương trình đào tạo và Design House (được UBND TP HCM đầu tư). Tôi có thể khẳng định không có Design House sẽ không có phần mềm để outsourcing; không đào tạo nhân lực sẽ không có đủ người để thực hiện hợp đồng này cũng như những dự án sắp tới của chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM”.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Dự án đào tạo nguồn nhân lực của chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM 2013-2020 sẽ đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư vi mạch, trong đó 1.500 là kỹ sư thiết kế và 500 kỹ sư vận hành nhà máy sản xuất chip. Nhưng đến nay thông qua ICDREC, TP HCM chỉ đào tạo được 125 kỹ sư, trong đó có 15 kỹ sư thiết kế analog, còn lại là kỹ sư thiết kế digital. Nguyên nhân sự chậm trễ là do các trường đại học trong nước chưa có chuyên ngành về thiết kế vi mạch. Thời gian qua, nguồn nhân lực này chủ yếu tuyển chọn từ ngành điện - điện tử, điện tử - viễn thông và được đào tạo một khóa ngắn hạn về thiết kế vi mạch.
Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM trao giấy chứng nhận cho 15 học viên
Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, 15 kỹ sư khóa học nói trên nằm trong kế hoạch của năm 2013 nhưng đến nay mới hoàn thành. Kế hoạch đào tạo của năm 2014 vẫn chưa được duyệt. Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông: “Đây là khóa đào tạo được Ban Chỉ đạo chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM đặt hàng, được CME ký hợp đồng gia công, đánh giá được chất lượng đào tạo. Vì đây là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ ngành công nghiệp vi mạch TP HCM nên sau khóa học này, TP sẽ tiếp tục cấp kinh phí cho các khóa đào tạo thiết kế digital, MEMS...”. Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2020, nếu đào tạo xong 2.000 kỹ sư vi mạch thì vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu cao của ngành công nghiệp vi mạch TP HCM.
Trung tâm ICDREC ký hợp đồng outsourcing với Công ty CME ( Nhật Bản)
Bài và ảnh: Hồng Thúy