Khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) chính thức có hiệu lực, ngành du lịch Việt Nam đứng trước những thách thức mới, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thách thức này không chỉ đòi hỏi lực lượng lao động phải thật vững vàng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà bản thân các đơn vị đào tạo nghề du lịch cũng phải thật nhanh nhạy, luôn tự làm mới, nâng cấp mình.
“Bắt nhịp” hội nhập
Nhanh chóng “bắt nhịp” xu thế hội nhập quốc tế, trong những năm vừa qua, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy, cập nhật giáo trình, đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng môi trường học tập chất lượng, năng động và thân thiện.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn tìm hiểu về đất nước Malaysia trong chuỗi chuyên đề “Du lịch Sài Gòn - Hội nhập ASEAN"
Ngoài việc tham chiếu Tiêu chuẩn nghề ASEAN, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia về du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để cập nhật giáo trình, từng bước chuẩn hóa kỹ năng nghề, các giảng viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn còn phải thay đổi trong tư duy và phương pháp giảng dạy. Song song đó, nhà trường cũng tiến hành cải cách lại toàn bộ phòng thực hành thành những phòng tích hợp với đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm mỗi sinh viên đều có thể thực hành kỹ năng. ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết: “Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn luôn sẵn sàng chuẩn bị cho sự thay đổi, luôn thích ứng và luôn chuyển động. Tất cả những nguồn lực, sức lực, trí lực, vật lực, tài nguyên từ hội đồng quản trị, ban giám hiệu, thầy cô sẽ toàn tâm đầu tư cho thế hệ sinh viên Du lịch Sài Gòn hiện tại và tương lai. Đó không đơn thuần là cho một cá thể nào mà là cho cả một thế hệ kế thừa để phát triển ngành du lịch; là sự góp sức quan trọng, yếu tố then chốt để không chỉ phát triển ngành du lịch của một đất nước mà còn là thể diện của một quốc gia”.
Để mỗi giảng viên, nhân viên đều có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quá trình hội nhập, chủ động trang bị kiến thức kinh tế - xã hội và kỹ năng giao tiếp, Công đoàn Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP)”. Các sinh viên khi nhập học cũng sẽ trải qua 10 tiết học về hội nhập kinh tế quốc tế.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn trau dồi tiếng Anh cùng du khách
Đưa TOEIC vào chương trình đào tạo song song với tiếng Anh chuyên ngành, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã cùng IIG Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ “Về việc nâng cao trình độ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế TOEIC”. Áp dụng TOEIC làm chuẩn đầu ra, trường phối hợp cùng IIG tổ chức các kỳ thi TOEIC, gồm cả thi thử, ngay tại trường. Ngoài việc trau dồi tiếng Anh, sinh viên còn được khuyến khích trang bị thêm các ngoại ngữ khác. Sắp tới, trường sẽ liên kết mở một số khóa đào tạo về văn hóa và ngôn ngữ các nước khu vực ASEAN.
Giảng đường không chỉ “phấn trắng, bảng đen”
Tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, việc lĩnh hội kiến thức của sinh viên là cả một sự đầu tư đồng bộ từ nhân sự, nội dung đào tạo, cơ sở vật chất đến trang thiết bị… hướng sinh viên bước vào thực tế nghề nghiệp ngay từ khi còn học ở trường. Trong giờ lý thuyết, các kiến thức được truyền đạt không hề khô khan mà trái lại, sinh viên có thể chủ động tiếp cận thông tin thông qua phương pháp giảng dạy linh hoạt, đặt câu hỏi cùng nhiều hoạt động nhóm. Các phòng thực hành đều được đầu tư theo tiêu chuẩn của hệ thống nhà hàng - khách sạn 4 sao, giúp sinh viên cọ xát thực tế và thành thạo kỹ năng.
Bước vào thực tế nghề nghiệp ngay tại trường
Mạnh dạn đầu tư Công ty Du lịch F5 Tour - mô hình khởi nghiệp dành cho sinh viên năng động với văn phòng đặt tại Khoa Lữ hành, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn mang đến cho sinh viên một môi trường để thử thách bản thân. Áp dụng các kiến thức đã học, các sinh viên sẽ vào vai nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn chương trình du lịch, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên marketing, thiết kế sản phẩm… để cho ra đời một chương trình tour hoàn hảo. Theo ThS Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, ngoài F5 Tour, trường còn một mô hình công ty phục vụ cho ngành quản trị lữ hành và sắp tới đây, sinh viên hướng dẫn du lịch cũng sẽ được trang bị một phòng học “chuyến xe hành trình” với các phương tiện nghe - nhìn đem đến những trải nghiệm như thật. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia nhiều chuyên đề bổ ích như “Truyền lửa”, “Đường đến thành công”, “Tìm hiểu mô hình hoạt động của khách sạn”, “Tìm hiểu mô hình hoạt động bộ phận bếp”...
Sinh viên được “nghe tận tai, thấy tận mắt” công việc mà mình đang theo đuổi
Trong quá trình học, sinh viên sẽ có những chuyến đi trải nghiệm, tham quan các mô hình nhà hàng, khách sạn, resort; được “nghe tận tai, thấy tận mắt” công việc mà mình đang theo đuổi… Trường thường xuyên tạo điều kiện để sinh viên gặp gỡ, giao lưu với đại diện các doanh nghiệp trong ngành cũng như thực hành nghiệp vụ thông qua chương trình kiến tập, thực tập. Thông qua các hoạt động này, sinh viên có biểu hiện tốt thường được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau khi ra trường.
Hướng đến kỷ niệm 25 năm thành lập trường
Thành lập từ năm 1991, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ và cấp chứng chỉ du lịch ở trình độ cao đẳng cho các ngành quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, hướng dẫn du lịch; trình độ trung cấp quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn cùng các lớp sơ cấp như lễ tân khách sạn, nghiệp vụ phòng, nghiệp vụ bàn, bartender, bếp Việt Nam, bếp Á - Âu, nghiệp vụ hướng dẫn cấp thẻ… Đến nay, trường đã đào tạo và cung cấp hơn 20.000 nhân sự phục vụ cho ngành du lịch TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Hướng đến kỷ niệm 25 năm thành lập, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức chuỗi hoạt động sôi nổi như: cuộc thi “Sinh viên thanh lịch 2016”, hội thao “Sức trẻ Du lịch Sài Gòn”, chương trình nghiên cứu khoa học “Sổ tay tiếng Anh chuyên ngành” của sinh viên ngành lữ hành; chương trình Amazing Race... Đặc biệt, vào tháng 11, hành trình đạp xe đạp mừng 25 năm thành lập trường mang chủ đề “Bảo vệ môi trường du lịch biển đảo” sẽ là hành trình xuất phát từ cội nguồn: tỉnh Quảng Trị - quê hương cố Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bội Quỳnh, người sáng lập Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn. Với chặng đường dài 1.025 km, đoàn xe sẽ men theo cung đường ven biển, ghé đảo Lý Sơn và Cù Lao Chàm, đi qua ít nhất 25 bãi biển nổi tiếng và về đến TP HCM ngay trong ngày kỷ niệm 25 năm.
Ngoài việc trao tặng 3 căn nhà tình thương, balô, tập vở..., ở mỗi điểm dừng chân, đoàn sẽ phối hợp với tỉnh đoàn, đoàn viên thanh niên các tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, dọn rác, phát tài liệu “một số quy tắc ứng xử về du lịch biển đảo” cho người dân và du khách. Đạp xe hành động vì môi trường là hoạt động thường niên của Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn. Một số hành trình trường đã phát động trong các năm qua như: Hành trình qua 9 cửa sông, hành trình hướng về đất mũi Cà Mau, diễu hành xe đạp vòng quanh huyện đảo Phú Quý; hành trình đạp xe vì những dòng kênh xanh TP HCM... nhằm tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, phổ biến phương cách ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ chức các lớp học miễn phí nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng, trao quà cho học sinh địa phương…