Các chuyên gia tuyển dụng cho rằng sinh viên mới ra trường không nên kỳ vọng quá lớn vào tấm bằng ĐH là sẽ có công việc tốt, lương cao... Ngược lại, muốn làm thầy trước hết hãy làm thợ để có kinh nghiệm và nắm bắt cơ hội mới bước lên đỉnh vinh quang... Ngoài những lợi thế của tuổi trẻ như siêng năng, chịu khó, ham học hỏi, sức bền trong quá trình chạy đua trong công việc thì ngoại ngữ vẫn là yếu tố quyết định cơ hội lớn dành cho người mới ra trường.
Hãy làm thợ trước…
Đại diện một doanh nghiệp (DN) cho biết để có công việc tốt, lương cao, trước mắt, bạn không nên “nuôi” trong đầu ý nghĩ nhảy việc hay muốn làm sếp ngay, nhà tuyển dụng họ rất tinh và sẽ nhận ra ngay. Điều các DN thường không lấy làm vui là nhiều sinh viên không chịu làm việc trực tiếp tại bộ phận sản xuất, mà chỉ muốn làm công việc thiết kế để được làm việc ở văn phòng, dù đề tài tốt nghiệp của các bạn lại rất... sản xuất như sấy gỗ, ván... Nếu đồng ý làm ở bộ phận sản xuất thì các bạn lại muốn làm cán bộ quản lý, trong khi kinh nghiệm thực tiễn về nghề cũng như về quản lý chưa có. “Nếu sinh viên ứng tuyển vào vị trí sản xuất mà trong đầu chỉ muốn ngồi phòng máy lạnh hay ngại xuống xưởng thì tốt nhất nên xem lại định hướng nghề nghiệp của mình” - đại diện một DN chia sẻ.
Thái độ đối với nghề nghiệp của sinh viên cũng là việc đáng bàn. Ông Nguyễn Hữu Thạnh, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Điện Bàn, cho biết thực tế không ít sinh viên ra trường hối hả tìm việc, “chớp” được cơ hội, phỏng vấn rất “ngon lành” nhưng khi vào làm thật thì họ bị sốc và bỏ việc ngay sau tuần đầu tiên. Môi trường DN rất cần những người sẵn sàng “xắn tay” vào công việc, nhất là DN mảng nông nghiệp cây trồng như công ty ông cần những lao động vừa có chất xám nhưng đôi khi vẫn phải ra đồng. Hay có một số sinh viên mới ra trường chân ướt chân ráo vào công ty đã nghĩ ngay đến việc “làm đẹp” mục kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc để sẵn sàng “nhảy việc”.
“Bất cứ làm việc gì, ở đâu thì đầu tiên phải chú trọng thái độ. Làm việc cũng như yêu đương, phải có thủy có chung. Mà một số sinh viên bây giờ hình như thiếu điều đó” - ông Thạnh chia sẻ.
Trang bị kiến thức và thái độ tích cực
Hằng năm, các trường ĐH, CĐ đều kết hợp với các DN tổ chức ngày hội việc làm. Đây được coi là cơ hội lớn cho những sinh viên có ý định tìm việc. Để nắm bắt được cơ hội thì ngoài việc chuẩn bị hồ sơ thật tốt, sinh viên cần tìm hiểu kỹ về DN, vị trí mình muốn ứng tuyển.
“Rất nhiều sinh viên mới ra trường, hồ sơ rất... sạch, chưa có một chút kinh nghiệm đã muốn ứng thí vào vị trí quản lý, dĩ nhiên DN họ sẽ đặt vấn đề ngay. Và đó là những sinh viên thiếu thực tế” - ThS Đặng Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - Quan hệ DN Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nói. Ông cũng cho biết có nhiều ý kiến của DN phản hồi tích cực về năng lực, thái độ làm việc của sinh viên nhưng cũng có không ít ý kiến phàn nàn về sự thụ động của sinh viên cũng như các ý kiến liên quan đến “thủy - chung” trong công việc.
Thái độ tích cực trong công việc được DN đặc biệt chú ý. Ngay cả khi một sinh viên có kết quả học tập không phải là giỏi nhưng được trang bị kiến thức và thái độ tích cực thì vẫn có khả năng cạnh tranh để sở hữu một suất việc làm tốt. Ngược lại, nếu kết quả học tập tốt nhưng thiếu kỹ năng và các kiến thức phụ trợ thì vẫn nhận “trái đắng” như thường. Chính vì vậy, trước khi đến gặp DN phỏng vấn trực tiếp, chính sinh viên phải nhìn nhận lại khả năng, thái độ cũng như những kỹ năng cần thiết của bản thân.