Khác với trước đây, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chỉ còn 5 môn thi, gồm có 3 bài thi độc lập toán - văn - ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lí, hóa, sinh) và bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lí, giáo dục công dân). Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017 của Bộ GD-ĐT quy định để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Sử dụng nguyện vọng hiệu quả
Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp. Quy định mở là vậy nhưng theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, thí sinh không nên thi cả 5 bài thi bởi sẽ quá sức mà không hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, thí sinh cần lưu ý với quy định học sinh hệ giáo dục phổ thông phải thi tối thiểu 4 bài thi thì mỗi thí sinh đã phải thi 6 môn độc lập thay vì 4 môn như những năm trước. Để thi hết cả 5 bài thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh cần phải thi 9 môn chứ không phải 8 môn như ở năm 2015 và 2016. Do vậy, thí sinh phải hết sức cân nhắc khi quyết định đăng ký thi cả 5 bài thi bởi sẽ quá sức mà không hiệu quả.
Do vậy, để việc đăng ký và sử dụng các nguyện vọng hiệu quả, thí sinh cần nắm rõ các nguyện vọng phải được xếp theo thứ tự ưu tiên và khi xét tuyển đợt 1, cũng sẽ xét theo thứ tự mà thí sinh đăng ký và nếu trúng tuyển, thì sẽ trúng tuyển theo nguyện vọng xếp trước, các nguyện vọng sau đó sẽ không được xét.
Về nguyên tắc chọn ngành, theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ (ĐH Ngân hàng TP HCM), thí sinh cần dựa vào các yếu tố sau đây để xác định nghề nghiệp cũng như hướng đi cho tương lai: Thứ nhất, đặc thù nghề nghiệp của gia đình, họ hàng, người thân trong gia đình; Thứ nhì, năng lực, thiên hướng của bản thân; Thứ ba, đặc điểm kinh tế - xã hội của vùng, địa phương nơi thí sinh sống và dự kiến lập nghiệp trong tương lai; Thứ tư, sở thích, đam mê của bản thân... trên cơ sở đó, thí sinh đưa ra một số nghề mà mình có thể gắn bó trong tương lai. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp của bản thân, yếu tố năng lực và đặc thù nghề nghiệp của gia đình là chi phối lớn nhất. Khi đã xác định ngành yêu thích của mình để đăng ký xét tuyển, thí sinh nên chọn ra 3 nhóm trường, mỗi nhóm khoảng 3 trường thì cơ hội trúng tuyển sẽ rất cao và lại chọn được ngành phù hợp. Tuy nhiên, với một số ngành không có nhiều trường đào tạo như công nghệ môi trường, công nghệ sinh học thì thí sinh phải hết sức cân nhắc để đặt nguyện vọng 1, 2 vào trường nào để khả năng trúng tuyển cao.
Chi tiết hơn, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng để tăng cơ hội trúng tuyển thì nguyện vọng 1 chọn trường có mức điểm xét tuyển hằng năm cao hơn một chút so với sức học, nguyện vọng 2 chọn trường có mức điểm ngang sức học, nguyện vọng 3 có mức điểm thấp một chút so với sức học. Như vậy, nếu không trúng nguyện vọng 1 cũng dễ có cơ hội ở 2 nguyện vọng sau.
Nên chọn nghề phù hợp
Trong giai đoạn định hướng và đưa ra lựa chọn này, tâm lý chung nhiều thí sinh vẫn còn lúng túng, chưa đưa ra được quyết định cho mình.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cho rằng đến thời điểm này, việc chưa xác định được ngành nghề nào sẽ khiến các em gặp khó khăn khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Thời điểm này việc đưa ra lựa chọn dù hơi muộn nhưng vẫn còn kịp để chuẩn bị. Thí sinh cần có cho mình 5 ngành, 5 trường và xem xét điều kiện tuyển sinh như thế nào. Các em dự định trong tương lai làm việc với những đối tượng nào và đặt ra cho mình những câu hỏi: “Những ngành nghề này sẽ học ở đâu? Vì sao mình thích ngành nghề đó? Các em học sinh cũng cần nhìn lại thực lực của mình: Mình có khả năng thực hiện được hay không? Nghề nghiệp này cần những yếu tố gì? Vì những lý do gì em không thực hiện được? Nếu thực hiện được, có quyết tâm theo đuổi ngành mình chọn không?”…
Các chuyên gia hướng nghiệp lưu ý: Nghề nghiệp sẽ gắn liền với cuộc đời chúng ta sau khi chúng ta bắt đầu quá trình làm việc. Còn vấn đề “nóng” rồi đến một thời điểm không xa sẽ hết “hot”. Việc chúng ta “thích” và phù hợp cũng có tính bền vững hơn là “phong trào”. Nếu hiểu rõ 2 khái niệm bền vững và tạm thời trên thì lời khuyên cho các bạn thí sinh là nên chọn những gì mình thích và phù hợp nhất là với sự thay đổi khó dự đoán của nền kinh tế, xã hội như hiện nay và trong tương lai. Còn vấn đề nhân lực “dư”, thí sinh nên quan tâm hơn là mình sẽ học như thế nào và mình có năng lực gì khi đi tìm việc. Nhân lực ở lĩnh vực nào cũng có dư và có thiếu. Dư đối với những người không đủ năng lực cho vị trí công việc đó nhưng lại thiếu người phù hợp.