Lễ ký kết có sự tham gia của ông Harsh Bharwani – CEO Jetking Ấn Độ, ông Suresh Bharwani - Chủ tịch Jetking Ấn Độ, ông Avisha Bharwani Giám đốc Jetking Ấn Độ, ông Indranil Kar – Phó chủ tịch Jetking Ấn Độ cùng ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT, ông Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường Đại học FPT, bà Nguyễn Kim Ánh – Trưởng ban phát triển chương trình Tổ chức giáo dục FPT, bà Lê Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Viện đào tạo quốc tế FPT cùng các đại diện khác của Viện đào tạo quốc tế FPT.
FPT Jetking chính thức nhận chuyển giao chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là trụ cột của nền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên ngành lại đang gặp phải sự thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tuyển dụng hàng năm. Trong bối cảnh đó, Học viện Ấn Độ Jetking, với lịch sử hơn 77 năm trong công tác đào tạo phần cứng và an ninh mạng, đã phát triển chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Điều này hứa hẹn sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự trước tình hình tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp vi mạch.
Hiểu rõ tầm quan trọng của ngành vi mạch, Tổ chức giáo dục FPT đã hợp tác với Học viện Jetking đưa chương trình đào tạo chất lượng quốc tế về Việt Nam. Qua đó, mở rộng cơ hội cho những thế hệ trẻ và người đam mê công nghệ thông qua Hệ thống đào tạo FPT Jetking.
Mr. Harsh Bharwani - CEO Jetking Ấn Độ chia sẻ: "Để nắm bắt xu hướng thị trường, Jetking sẽ triển khai chương trình đào tạo về vi mạch tại Ấn Độ và hợp tác cùng với FPT để triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Ấn Độ và Việt Nam sẽ trở thành những điểm đến được ưa chuộng để thiết kế và sản xuất chip, từ đó xuất khẩu sang thị trường ở Châu Mỹ và Châu Âu" .
Mr. Harsh Bharwani chia sẻ về tiềm năng ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại Lễ ký kết
Với mong muốn đẩy mạnh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn, FPT Jetking đã có buổi ký kết tại Mumbai cùng Học viện Jetking Ấn Độ để chuyển giao chương trình đào tạo quốc tế và khẳng định sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo sinh viên.
Ông Nguyễn Khắc Thành chia sẻ: "Jetking không chỉ có một chương trình học đáng tin cậy với công nghệ tiên tiến, mà còn liên quan chặt chẽ đến ngành công nghiệp. Điều này rất quan trọng vì nó đảm bảo rằng những kiến thức và kỹ năng được truyền đạt thực sự có giá trị trong thực tế. Với sự hợp tác của FPT và Jetking, chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể đào tạo một lượng lớn chuyên gia cho thị trường, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn".
Buổi lễ ký kết giữa Tổ chức giáo dục FPT và Học viện Jetking - Ấn Độ không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của giáo dục công nghệ tại Việt Nam, mà còn là bước đệm vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.
Ông Harsh Bharwani – CEO Jetking Ấn Độ, Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT ký kết hợp tác
Nhận thức ngành vi mạch cần được chú trọng vào kiến thức bài bản và chuyên sâu, FPT Jetking đã lựa chọn chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn của Ấn Độ để mang về đào tạo tại Việt Nam. Với chương trình học tại FPT Jetking, sinh viên sẽ tiết kiệm được thời gian học tập vì chương trình đào tạo trong 2 năm và có chất lượng chuyên môn cao, sinh viên được học thẳng chuyên ngành với lượng thực hành lên đến 70%, kết hợp với hoàn thành đồ án trong mỗi kỳ để củng cố kiến thức và kỹ năng khi học.
Bên cạnh đó, FPT Jetking còn hỗ trợ giới thiệu, kết nối sinh viên với các công ty đầu ngành trong suốt quá trình thực tập cho tới khi tìm việc làm, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn trong và ngoài nước.
FPT bắt đầu nghiên cứu mảng bán dẫn từ 10 năm trước. Năm 2023, công ty nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong giai đoạn 2024 - 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành mới, FPT đã tham gia đào tạo ngành công nghệ bán dẫn, dự kiến bổ sung nhân lực kỹ sư thực hành, kỹ thuật viên bán dẫn trong tương lai ở các bậc cao đẳng, cũng như hợp tác với Học viện Jetking đưa chương trình đào tạo chất lượng quốc tế về Việt Nam.