Được sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ ngày 1-10, giá một số dịch vụ hàng không sẽ tăng ít nhất 5% so với mức hiện hành. Mục đích của việc tăng giá là dần xóa bỏ bao cấp trong chính sách giá dịch vụ hàng không; tiến tới thu đúng, thu đủ theo giá thị trường để bù đắp chi phí.
Nội địa, quốc tế đều tăng
Quyết định tăng giá trên được ban hành sau hơn 2 năm Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) liên tục đệ trình. Các dịch vụ được tăng giá gồm 2 loại: thu trực tiếp của hành khách và thu của các hãng hàng không.
Khoản thu của hành khách gồm có giá phục vụ hành khách tại sân bay và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không. Trong đó, giá phục vụ hành khách của chuyến bay nội địa trên tất cả 21 sân bay do ACV quản lý được điều chỉnh tăng từ ngày 1-10-2017 đến tháng 6-2018, chia làm 4 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ ngày 1-10-2017), mức thu của sân bay nhóm A (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…) tăng từ 70.000 đồng hiện nay lên 75.000 đồng/hành khách; sân bay nhóm B (Liên Khương, Phù Cát, Buôn Ma Thuột…) tăng lên 70.000 đồng/hành khách. Giai đoạn 2 (từ ngày 1-1-2018), sân bay nhóm A tăng mức thu lên 80.000 đồng, nhóm B lên 75.000 đồng, nhóm C (sân bay Điện Biên, Côn Đảo) lên 60.000 đồng/hành khách. Giai đoạn 3 (từ ngày 1-4-2018), chỉ duy nhất sân bay nhóm A tăng thêm 5.000 đồng/hành khách. Giai đoạn 4, sân bay nhóm A tăng lên mức 100.000 đồng và sân bay nhóm B lên 80.000 đồng/hành khách.
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: TẤN THẠNH
Đối với chuyến bay quốc tế, chỉ 3 sân bay mới nâng cấp là Cát Bi, Đà Nẵng, Vinh tăng giá. Trong đó, sân bay Đà Nẵng tăng 4 USD (từ 16 USD lên 20 USD) và sân bay Cát Bi, Vinh tăng 6 USD/hành khách (từ 8 USD lên 14 USD).
Giá soi chiếu bảo đảm an ninh hàng không được tăng từ mức 1,5 USD/khách bay quốc tế hiện nay lên 2 USD. Chuyến bay quốc nội sẽ tăng từ 10.000 đồng/khách hiện nay lên 15.000 đồng từ ngày 1-1-2018 và tăng tiếp lên 20.000 đồng từ ngày 1-4-2018.
Trong cơ cấu giá vé của hành khách, ngoài giá cước vận chuyển của hãng hàng không thì các khoản thu trực tiếp của ACV và thuế chiếm tỉ trọng đáng kể. Ví dụ, trên đường bay Hà Nội - TP HCM, đặt chỗ của hãng hàng không Vietjet (VJ) hạng Eco có giá cước 699.000 đồng/chiều thì phải cộng thêm 220.000 đồng phí và 83.900 đồng tiền phục vụ sân bay, soi chiếu an ninh… - tổng số tiền phải trả là 1,002 triệu đồng. Với đặt chỗ của Jetstar Pacific (JPA), giá cước hãng thông báo là 690.000 đồng/vé/chiều, cộng thêm các loại thuế và phí thì tổng số tiền phải trả là 910.000 đồng.
Hành khách phải "gánh"
Theo tính toán của ACV, đợt điều chỉnh giá lần này sẽ tác động khiến chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng khoảng 161,53 tỉ đồng/năm, tương đương 4.531 đồng/hành khách (chiếm tỉ lệ 0,1% giá vé máy bay). Trong đó, tác động theo mức giảm dần là Vietnam Airlines (VNA) tăng chi phí khoảng 87,5 tỉ đồng, VJ tăng khoảng 55,41 tỉ đồng, JPA tăng khoảng 18,38 tỉ đồng.
Đối với hành khách, chi phí tăng thêm là 30.385 đồng/vé. Theo ACV, đây là mức tăng không cao, không tác động lớn đến thị trường nói chung cũng như các hãng hàng không và hành khách đi máy bay.
Tuy nhiên, quan điểm của các hãng hàng không lại khác. Đại diện VJ cho biết giá dịch vụ hàng không là một trong những yếu tố cấu thành dịch vụ vận chuyển. Giá dịch vụ hàng không tăng thì giá vé sẽ tăng. Trong đợt tăng giá này có cả dịch vụ đối với hãng vận chuyển và dịch vụ hãng thu hộ qua giá vé.
Chưa có tính toán cụ thể về tác động của chính sách giá mới nhưng đại diện JPA nhận định việc điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hãng vì chi phí đầu vào bị đẩy lên. "Giá dịch vụ bảo đảm soi chiếu an ninh, giá phục vụ sân bay sẽ đánh thẳng vào túi tiền của hành khách. Còn giá dịch vụ cất hạ cánh, dịch vụ dẫn đường… lại trôi thẳng vào hiệu quả hoạt động của các hãng. Vì vậy, về lâu dài, có khả năng hãng phải tính đến giải pháp tăng giá vé. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào chi phí tăng lên và sức mua của thị trường" - đại diện JPA phân tích.
Như vậy, ảnh hưởng của việc tăng giá dịch vụ đến thị trường khá lớn. Dù phần tăng thêm được thu trực tiếp của hành khách hay thu của hãng hàng không thì người phải trả thêm tiền vẫn là hành khách.
Trong khi đó, VNA cho rằng trong hoạt động hàng không, các hãng vận chuyển chính là "công cụ kiếm tiền". Hãng hàng không hoạt động tốt thì mới đưa khách đến tiêu dùng các dịch vụ kèm theo, đem lại nguồn thu cho những doanh nghiệp khác. Do đó, các chính sách cần hướng đến nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tìm cơ hội tăng giá.