Tại làng Gauriganj, miền bắc Ấn Độ, trẻ em được dạy cách kiểm soát những con rắn từ lúc hai tuổi. Những người thôi miên rắn trong làng cho rằng trẻ nhỏ cần được tiếp xúc với rắn càng sớm càng tốt. Ảnh: Cater News Agency.
Uttam Nath, một người biết thuật thôi miên rắn, cho biết quá trình huấn luyện bắt đầu từ khi bọn trẻ lên hai. Chúng được dạy về những thuật thôi miên rắn cổ cho tới khi chúng đủ trưởng thành để kế nghiệp ông cha. Thay vì tới trường học, tất cả trẻ em trong làng hoàn thành 10 năm huấn luyện để trở thành những người điều khiển rắn chuyên nghiệp. Ảnh: Barcroft India.
Ông Nath cho biết người làng Gauriganj không chỉ thôi miên rắn, họ còn cứu người bị rắn hay bọ cạp cắn bằng thảo dược. Thuật thôi miên rắn là kiến thức gia truyền hàng thế kỷ của người dân nơi đây, song các trưởng lão không ngại để trẻ em theo đuổi những sự nghiệp khác có tương lai hơn. Ảnh: Cater News Agency.
Vai vế xã hội của một gia đình trong làng phụ thuộc vào số lượng rắn họ sở hữu. Những người đàn ông của làng luyện sáo thôi miên rắn, trong khi phụ nữ chăm sóc chúng khi đàn ông vắng nhà. Ảnh: Cater News Agency.
Phần lớn trẻ em chơi với rắn thay vì đồ chơi, chúng có thể quấn những con rắng hổ mang chúa quanh cổ. Ảnh: Cater News Agency.
Kumativ Devo, một phụ nữ trong làng, bắt đầu học điều khiển rắn từ khi mới lên năm. Devo cho biết những con rắn cho người làng kế sinh nhai, song cô không chắc chắn về tương lai của nghề này. Đô thị hóa khiến số lượng rắn giảm, luật bảo vệ động vật cũng trở nên khắt khe hơn. Nếu những đứa trẻ trong làng bị bắt gặp với một con rắn trên tay, chúng sẽ bị bắt vào tù và bố mẹ phải nộp phạt khoảng 3-4 bảng (khoảng 80.000 đến 100.000 đồng). Ảnh: Barcroft India.
Đối với cô, thuật thôi miên rắn không còn hấp dẫn công chúng như trước. Cô muốn lũ trẻ học nghề để môn nghệ thuật này có thể duy trì dù chúng theo đuổi những sự nghiệp khác. Ảnh: Cater News Agency.