Gần 30 năm trước, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mười (SN 1967) - ông Trần Đình Ánh (SN 1965) mở quán bán mì Quảng tại thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận. Với tâm niệm bán mì không để kiếm lời nhiều mà chủ yếu phục vụ người nghèo, bà Mười bán một tô mì Quảng chỉ bằng một nửa giá thị trường. Cách đây 5 năm, bà ấn định giá bán 5.000 đồng/tô và giữ luôn mức giá đó làm thương hiệu riêng.
Để làm nên “tô mì 5.000”, hằng ngày, vợ chồng bà Mười phải thức dậy từ 3 giờ sáng, ngâm gạo, xay bột, tráng mì, làm thịt gà, lặt rau sống, nấu nước nhưn, rang đậu phộng... “Mình phải làm tất cả công đoạn để tô mì ngon hơn và giá rẻ hơn. Nếu mua mì, mua rau của người khác thì không thể có tô mì giá 5.000 đồng được” - bà Mười thật thà.
Khác với mì Quảng bà Mười, thương hiệu mì Quảng bà A (thị trấn Đông Phú) được nhiều người biết đến từ những năm 1970. Thời điểm đó, bà A mở quán bán mì Quảng bình dân tại nhà ngay mặt tiền đường ĐT 611 cho những người hành nghề bán hàng rong từ miền xuôi lên miền ngược. “Mẹ tôi tâm niệm những người bán hàng thời đó vất vả vô cùng vì phải gánh hàng đi bộ hàng chục cây số đèo dốc. Chính vì thế mà bà lấy giá rất rẻ. Thừa kế quán mì của mẹ, tôi phải làm theo ý của bà, bán mì chỉ là một nghề phục vụ, không phải nghề làm giàu” - bà Huỳnh Thị Hương (SN 1960), con gái bà A, thổ lộ.
Tô mì Quảng của quán bà Mười
Quán của bà Hương lúc nào cũng đông khách từ dân lao động nghèo, người bán hàng rong đến học sinh, sinh viên và cả khách du lịch. “Nếu nói mì ngon thì tôi không dám vì ở xứ Quảng ni, ai ai cũng biết làm mì Quảng cả. Chỉ có điều tô mì ăn no mà giá chỉ 5.000 đồng thì không phải ai cũng làm được” - bà Hương nói.
Bà Hương cho rằng mì Quảng có nhiều loại nhưng đúng điệu phải là nhưn gà và phải là gà ta. Từ xa xưa, người Quảng Nam hay làm mì đãi khách và bắt gà nuôi trong vườn làm nhưn, để cho món mì thêm trang trọng. Chính vì thế mà dù sau này, người ta biến tấu mì Quảng với nhiều loại khác nhau nhưng hợp vị nhất vẫn là nhưn gà. Để có nguồn nguyên liệu ngon và rẻ, bà Hương và bà Mười đặt mua từ các hộ dân trong xóm chuyên nuôi gà thả rông. Thịt gà sau khi làm xong, ướp gia vị cho thấm, xào sơ qua rồi ướp thêm lần nữa để um với nước dừa. Làm như vậy, thịt gà vừa tăng độ săn vừa mặn mòi, thơm ngon.
“Mì Quảng 5.000” của bà Hương và bà Mười quyến rũ thực khách không chỉ ở giá rẻ mà còn ở hương vị dân dã, đậm đà như nhận xét của nhiều thực khách. Sợi mì dai sần sật chứ không mềm, không bở. Nước nhưn không ngấy mỡ mà thơm vị thịt gà và lúc nào cũng nóng hổi trên bếp than.
Bà Hương chan nhưn mì cho khách
giữ thương hiệu. Bà Hương cho biết bà có 3 người con trai nên không thể truyền nghề “mì Quảng 5.000”. “Sau này khi không buôn bán được nữa, tôi sẽ cho thuê lại quán với điều kiện người “nối nghiệp” phải bán với giá 5.000 đồng” - bà quả quyết. Theo bà Hương, tô mì 5.000 đồng không phải ngon ở giá cả, không phải ngon ở hương vị mà là ngon ở tấm lòng, ở cái cốt cách phục vụ khách. “Thậm chí có người muốn ăn tô 2.000 đồng, 3.000 đồng tôi cũng bán. Chủ yếu là để khách có một bữa no, một bữa vui là được” - bà Hương trải lòng.
Với vợ chồng bà Mười, họ quyết không nâng giá bán bởi vì muốn tô mì mình làm ra được phục vụ cho nhiều người nghèo, người lao động. Ngày nào vợ chồng bà cũng bán hết hàng và tiền lời được khoảng 300.000 đồng. Đó là tiền công của vợ chồng chứ không theo kiểu buôn bán “một vốn bốn lời”. Để giữ được tô mì Quảng giá rẻ thời “bão” giá, vợ chồng bà Mười chọn cách... tế nhị: gạo tăng giá thì bớt đi cọng mì, gà tăng giá thì bớt đi cục thịt... “Ấy vậy mà khi mình giải thích, khách vẫn vui vẻ và chấp nhận” - ông Ánh lý giải.
Bà Hương lẫn bà Mười đều cho rằng giờ đây “mì Quảng 5.000” đã trở thành thương hiệu đặc trưng của quán. “Tăng giá là điều tôi chưa nghĩ đến. Khách đã quen, nay tăng giá lên thì còn chi “mì Quảng 5.000” nữa. Nếu “bão” giá càng lớn thì mình cố bỏ công ra thêm để giữ cho được thương hiệu “mì Quảng 5.000” - bà Mười khẳng định.