Khám phá Dzong
Các toà lâu đài/pháo đài to cao trong một khuôn viên lớn vài hecta thật uy nghiêm toạ lạc ở các địa thế khá hiểm trở, là nơi trấn giữ, nơi tu hành, nơi quản lý về hành chính của một vùng đất gọi là Dzong. Thật kỳ lạ khi biết rằng Dzong được xây dựng cách nay 5-6 thế kỷ, dù bề thế, đồ sộ như vậy, với diện tích rộng đến hàng hecta này lại không hề có đồ án thiết kế ban đầu, được dựng nên mà không hề dùng đến chiếc đinh nào, tất cả đều đặt dưới sự chỉ huy của một vị latma cao cấp.
Các sư đi vào Dzong
Ngày nay, dẫu có nghe giới thiệu trước, khi đến tận nơi tôi vẫn thấy choáng ngợp với vẻ đẹp, sự bề thế của pháo đài, sự tôn nghiêm của nơi tu tập lại vừa rực rỡ, sang trọng như những lâu đài, cung điện.
Rinpung Dzong ở thành phố Paro là nơi đầu tiên tôi đến, được xây dựng năm 1646 bởi Shabdrung Ngawang Namgyal, nhà lãnh đạo tinh thần và thế tục đầu tiên của Bhutan; nó vẫn sừng sững như xưa, vẫn còn là nơi quản lý hành chính, toà, và nơi tu tập cho cả vùng.
Sư làm việc sửa chữa ở Punakha Dzong
Ở cố đô, Punakha Dzong được Shabdrung xây dựng năm 1637 ở một vị thế chiến lược, nơi giao nhau giữa hai con sông Pho Chu (trống) và Mo Chu (mái) là nơi có vai trò linh thiêng trong lịch sử Bhutan. Đây là nơi đặt chính phủ Bhutan cho đến thế kỷ 19; nơi bầu chọn và đăng quang của vị vua Bhutan đầu tiên năm 1907.
Thành kính nguyện cầu
Nơi đây còn là khu tu tập mùa đông của các vị lãnh đạo phật giáo. Bị hư hại sau 4 trận hoả hoạn và một lần động đất, Dzong này được trùng tu hoàn toàn năm 1987.
Hết giờ học đạo
Thủ đô Bhutan hiện nay là Thimphu có một Dzong không thể không ghé đến là Tashichho Dzong hay còn gọi là Thimphu Dzong, “pháo đài của phật giáo linh thiêng”; được xây dựng ban đầu năm 1641 và được vua Jigme Dorji Wangchuk xây lại năm 1960.
Một pháo đài cũ trên núi
Pháo đài bề thế nằm bên dòng sông Wangchu này ngày nay được dành để đặt các cơ quan hành chính của nhà nước đồng thời cũng là “cung điện mùa hè” cho các vị lãnh đạo Phật giáo. Bên ngoài Dzong này các cây đào cổ thụ khoe sắc rực rỡ trong tiết xuân mê hoặc tất cả du khách. Hoa đẹp quyến rũ đến mức tôi bấm máy liên tục, quên cả thời gian, không màng giá rét.
Muôn màu lễ hội
Bhutan có nhiều lễ hội, nhất là trong mùa xuân. Chuyến này mình đã được dự và thật ngỡ ngàng trước sắc màu và ấn tượng mạnh mẽ với âm nhạc, các điệu múa trong lễ hội Paro Tsechu.
Thiếu nữ với trang phục truyền thống say mê với điệu múa
Mỗi người mỗi vẻ chú tâm vào từng điệu múa trong lễ hội
Lễ hội này dành tưởng nhớ đức Phật Padmasanbhava, thường được gọi là “Guru Rinpoche”, người đã mang Phật giáo đến Bhutan. Lễ hội thu hút rất đông, tôi đoán chắc hàng ngàn người. Họ đến để vui chơi, cầu nguyện, trải nghiệm các sinh hoạt văn hoá cổ xưa của Bhutan.
Thiếu nữ xinh tươi đến lễ hội
Tsechu được tô điểm với sắc màu rực rỡ, các điệu múa, nhạc kịch như múa mặt nạ, múa kiếm, các nghi lễ tôn giáo xưa được thực hiện bởi các sư trong trang phục truyền thống nhằm mang phúc lành cho người xem cũng như truyền đạt tinh thần Phật giáo đến mọi người.
Cầu nguyện và chuẩn bị hạ trướng Thongdroel khi trời ló dạng
Ngày cuối cùng của Tsechu, sáng sớm trươc khi mặt trời lên mọi người xếp hàng tuần tự đi dự lễ thượng bức trướng Thongdroel vĩ đại. Bức trướng bằng lụa, 12 m x 18 m, may và thêu 8 hình thái thể hiện Phật Rinpoche, đức Phật thứ hai và là người tạo dựng phái Phật giáo mật tông. Trời tờ mờ đã phải hoà vào dòng người đông đúc từ khắp mọi miền đất nước Bhutan rất trật tự và khiêm cung đến dự buổi lễ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, trướng chỉ thượng lên trong vài giờ.
Một lễ hội truyền thống đầy sắc màu. Sự trật tự của người xem, không chen lấn dù không có bất kỳ sự ngăn chia nào
Tương truyền rằng những người tham dự sẽ được phúc lành trong cuộc sống (phúc lành cũng sẽ đến với tôi). Sau đó, Thongdroel được làm lễ hạ và gấp lại trước khi tia nắng đầu tiên trong ngày ló dạng. Đặc biệt là ông Thủ tướng Bhutan cũng rất bình dân, cùng đoàn tùy tùng hoà chung với mọi người tham dự buổi lễ này. Ngay cả vua Bhutan cũng đến dự trước khi lễ hạ trướng được tiến hành. Thật ấn tượng và không thể nào quên cảm giác an và tịnh của tâm hồn mình sau buổi lễ.
Thót tim với Tiger Nest
Một nơi linh thiêng bậc nhất mà ai đến Bhutan cũng phải viếng là Tu viện Tiger’s Nest, với truyền thuyết rằng đức Phật Padmasanbhava của Phật giáo Tây Tạng đã bay qua dãy Hymalayas trên lưng một con cọp và đáp xuống sườn núi này mang Phật giáo đến cho Bhutan.
Tiger's Nest thật hùng vĩ. Còn hai lần dốc đứng nữa là tới
Hành trình leo lên Tiger’s Nest không dễ dàng chút nào khi phải đi vài chục km để chinh phục khoảng chênh lệch độ cao gần 1km bằng đoạn đường theo triền núi có nhiều đoạn dốc khủng khiếp. Mình đã phải mất cả 2 giờ leo lên, có đoạn đầu chừng vài km có thể thuê mấy chú lừa cho nhanh hơn nhưng cũng thót tim khi mấy chú lừa quen lối leo trèo sát bờ vực; và chừng ấy thời gian để đi xuống cũng không dễ dàng gì.
Cảm giác chinh phục, rồi sự thán phục kỳ công của người Bhutan xưa, sự thanh thoát tinh thần khi viếng các gian thờ tự bên trong tu viện là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi không thể nào quên.
Mềm lòng với hoa đào Bhutan
Mình không thể quên được hình ảnh các loại hoa khắp mọi nơi đã đi qua, dọc con đường lớn nhỏ, trên triền núi xa xa, bên góc nhà, khoảnh sân. Hoa đẹp không thể nói nên lời, từ anh đào hồng thắm, đỗ quyên dịu dàng, đến nhiều loại khác mà mình chưa hề thấy.
Một hình ảnh rực rỡ nhưng rất an nhiên của đất nước Bhutan làm mềm lòng bất cứ du khách nào đến đây vào mùa xuân. Người dân Bhutan quan niệm rằng con người chung sống với thiên nhiên, đối xử với môi trường như thế nào thì sẽ được đáp lại như vậy.
Hoa đào tràn ngập đất nước Bhutan
Những chính sách tôn trọng và bảo vệ môi trường được đưa hẳn vào trong hiến pháp. Chắc có lẽ từ ý thức bảo vệ môi trường rất cao mà nơi đây vẫn luôn có sự đồng hành của thiên nhiên tuyệt hảo.
Hạnh phúc ngời lên trong mắt
Sân bay Bhutan với kiến trúc đặc trưng, sảnh đón gần gủi thân thiện, không nhiều người, rất trật tự và thoải mái.
Nam thanh nữ tú đi lễ hội trong trang phục truyền thống
Giúp nhau học kinh Phật
Khuôn mặt đặc trưng của một bé gái Bhutan, thật duyên dáng và xinh ghê
Một người già xem và chiêm nghiệm cuộc sống và luân hồi. sảnh vào Rinpung Dzong
Punakha Dzong nhìn từ nơi giao nhau của hai sông Trống và Mái
Mẹ và con trên đường về nhà
Suốt thời gian dong ruổi khắp các nẻo đường đất nước Bhutan, tôi đã phần nào lý giải được vì sao đất nước này có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Hãy nhìn vào đôi mắt của mỗi con người nơi đây để thấy sự an lành, không vướng lo âu, thấy hạnh phúc được sinh ra và sống trên đời.
Sư trụ trì kiểm tra bài học của các chú tiểu
Điều khiến ta khâm phục là sự thấm nhuần tư tưởng phật giáo của mỗi con người nơi đây. Điều này thể hiện rõ nét trong mọi giao tiếp xã hội, nơi mua bán, lúc vui chơi, trong làm việc. Mọi người đều ý thức sự luân hồi của cuộc đời nên luôn tích đức trong mỗi hành động, mỗi thời khắc cuộc sống để chuẩn bị cho kiếp sau tốt lành. Mỗi người hay mỗi gia đình có người xuất gia là một niềm phúc và sự tự hào.
Chăm chỉ học kinh Phật
Ta có thể thấy được điều này khi ghé thăm một tu viện với các nhà sư từ nhỏ đến lớn thực hành học kinh, học chữ, tu tập một cách nhất tâm thành kính.
Dường như cái hạnh phúc đó đã ngấm vào tôi sau hành trình đi tìm hạnh phúc của người dân Bhutan. Hãy đến với đất nước đặc biệt này để có được những cảm nhận đầy thú vị như tôi các bạn nhé.