Venice đang chìm dần. Nhưng theo người dân địa phương, nguyên nhân không phải là do mực nước biển dâng cao, mà chính là sự quá tải khách du lịch.
“Hiện Venice có khoảng 50.000 cư dân – chỉ bằng 1/3 so với thế kỷ 18 – nhưng mỗi năm có đến 30 triệu khách du lịch đổ về đây,” Andrea Carandini, người đứng đầu Quỹ Môi trường Italia cho biết.
Thành phố xinh đẹp đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng quá tải khách du lịch, trong khi số lượng người dân địa phương ngày càng giảm sút.
Năm 2015, người dân địa phương đã bỏ phiếu thống nhất lệnh cấm các du thuyền lớn được đi vào hệ thống kênh Giudecca. Không chỉ có những tác động tiêu cực đến cảnh quan và môi trường, sự xuất hiện của các du thuyền lớn còn đồng nghĩa một lượng lớn khách du lịch đặt chân vào thành phố mỗi ngày. Tuy nhiên, đáng buồn là, chỉ 3 tháng sau khi được thực thi, điều luật này đã bị tạm dừng sau một quyết định của Toà án vùng.
Những du thuyền khổng lồ mang theo hàng nghìn du khách đổ vào Venice (ảnh: CNN)
Đầu năm nay, thị trưởng Venice Luigi Brugnaro đã đề xuất một hệ thống bán vé cho khu vực xung quanh quảng trường Piazza San Marco. Mặc dù được hội đồng thành phố ủng hộ và thông qua vào tháng Năm vừa rồi, hệ thống này lại bị người dân địa phương coi là “không thực tế”.
“Đây không phải là ý tưởng phù hợp cho cả du khách và người dân,” Cristiano Fortuna, Giám đốc của khách sạn L'Orologio than phiền. “Có lẽ việc hiệu quả hơn một lệnh cấm, chính là khuyến khích khách du lịch đến Venice vào các ngày trong tuần, và trong thời điểm từ tháng Mười đến tháng Tư.”
“Tình trạng quá tải đặc biệt tồi tệ vào các ngày cuối tuần từ tháng Năm đến tháng Chín. Và nên có một thoả thuận với các du thuyền đưa khách đến Venice tất cả các ngày trong tuần, chứ không chỉ là cuối tuần,” Fortuna nói.
Bên cạnh đó, thị trưởng Brugnaro còn giới thiệu các biện pháp nhằm “dẫn dụ” du khách khỏi các khu vực đặc biệt đông đúc, và giới thiệu họ đến những địa điểm mới, ít phổ biến hơn.
Trong tháng Sáu này, một đề xuất khác kêu gọi ban hành lệnh cấm thành lập khách sạn mới chuyển đổi từ các khu nhà cũ của người dân địa phương.
“Cuộc sống ở Venice ngày càng trở nên khó khăn,” một người dân cho biết. “Các cửa hàng như tạp hoá, thực phẩm, hiệu bánh, hiệu sách… đều bị đóng cửa để nhường chỗ cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm; chính vì vậy Venice trở nên ngày càng đắt đỏ hơn.”
Một cuộc biểu tình phản đối tình trạng quá tải du lịch của người dân địa phương (ảnh: CNN)
Venice cần nguồn thu từ du lịch để tồn tại, trong khi các du khách chắc chắn cũng không muốn thành phố xinh đẹp này bị “phá huỷ” trong tay mình. Theo Jonathan Keates, Chủ tịch của tổ chức Từ thiện Anh tại Venice, mục tiêu giờ đây chính là bảo tồn Venice như một danh thắng nơi người dân vẫn sinh sống thực sự.
“Kế hoạch có thể là quản lý du lịch, đặt ra các mức thuế du lịch cao hơn, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và dịch vụ cung cấp nhà có giá thành phải chăng,” Keates nói. “Venice cần phải có dấu chân người dân địa phương, trẻ em chơi đùa trên sân… - một thành phố Italy đúng nghĩa.”
Trong tháng Bảy này, Uỷ ban di sản thế giới của UNESCO sẽ thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn Venice.