Báo Sydney Morning Herald (SMH) hôm 15-3 Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) đã đưa ra cảnh báo sau vụ việc nói trên. Người phụ nữ gặp nạn cho biết vụ nổ xảy ra khi cô đang nghe nhạc và ngủ. Vụ nổ lớn khiến cô thức giấc.
“Khi thức giấc, tôi có cảm giác mặt mình bị cháy. Tôi đưa tay lên mặt khiến tai nghe rơi xuống vùng cổ. Tôi tiếp tục cảm nhận sức nóng vì thế, tôi ném tai nghe xuống sàn. Tai nghe bốc cháy” - người phụ nữ kể lại vụ việc xảy ra hôm 19-2.
Phi hành đoàn nhanh chóng dập lửa. Loạt ảnh được đăng tải lên mạng cho thấy phần má của nạn nhân bị nám. Những hành khách trên chuyến bay khác kể rằng họ nghe thấy mùi tóc cháy và nhựa cháy.
Hành khách nữ gặp nạn vì tai nghe phát nổ. Ảnh: ATSB
Tay của cô cũng bị bỏng. Ảnh: ATSB
Người phát ngôn của ATSB không tiết lộ hãng sản xuất tai nghe, chỉ nói rằng mọi loại pin đều có thể gây nguy hiểm. “ATSB đánh giá nguyên nhân là do pin bốc cháy và gây ra vụ việc… Tất cả pin đều trữ năng lượng và có thể gây rủi ro” – người này cho hay.
Cũng trong lời cảnh báo của mình, ATSB khẳng định rủi ro trong các chuyến bay ngày càng tăng do các sản phẩm sử dụng pin ngày càng nhiều. Các thiết bị sử dụng pin cần phải tắt khi không sử dụng và pin dự phòng phải để ở hành lý xách tay, không phải hành lý ký gửi, ATSB cảnh báo.
Vụ việc nói trên xảy ra sau nhiều sự cố cháy nổ xuất phát từ lỗi pin của điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Điện thoại này hiện bị cấm đưa lên máy bay.
Trước đó, vào năm 2016, pin điện thoại gây ra một vụ cháy trên chuyến bay của hãng hàng không Qantas (Úc) khi điện thoại bị mắc kẹt trong ghế tựa và bị đè nát.
Những pin chất lượng kém hay các mẫu pin lithium cũ dễ gây cháy. Tuy nhiên, theo trang công nghệ Gizmodo, nhiệt độ cao hay sạc quá lâu cũng có thể gây cháy nổ ngay cả với những loại pin “xịn”. Trang này cũng dẫn lời Ken Boyce, một chuyên gia tư vấn an toàn người Mỹ, cho hay khả năng thiết bị dùng pin phát nổ là “1/10 triệu”.