Theo chuyên gia này, “bẫy thanh khoản” ở đây không hẳn là việc hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn về chi trả ngoại tệ, mà nằm ở sự hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ông Phước nói:
- Tôi cho rằng khái niệm “bẫy thanh khoản” chúng ta nêu ra trong thời gian gần đây đối chiếu với điều kiện đặc thù của nền kinh tế và thị trường tiền tệ Việt Nam là không phù hợp.
Theo tôi được biết, “bẫy thanh khoản” không phải nói về câu chuyện… thanh khoản. Bẫy thanh khoản là hiện tượng mà ở đó lãi suất thấp nhưng nhu cầu về tín dụng cũng rất thấp, không tạo ra các nhu cầu tiền tệ lớn.
Đối chiếu với Việt Nam, như chúng ta đều biết, lãi suất của Việt Nam hiện nay không phải là thấp nhưng nhu cầu tín dụng hết sức lớn. Nếu nói rằng lãi suất đồng đô la thấp mà tăng trưởng tín dụng thấp, thì cái này là do các quy định của chúng ta hạn chế việc cho vay ngoại tệ để phục vụ cho mục tiêu hạn chế đô la hóa.
Tín dụng tiền đồng và tín dụng ngoại tệ chúng ta có nhu cầu rất lớn. Cho nên tôi nghĩ rằng đặt ra khái niệm “bẫy thanh khoản” là không phù hợp.
Kỳ vọng lớn đã không xảy ra
Có thể hiểu điểm liên quan ở đây là chính sách trần lãi suất USD áp 0%/năm không thưa ông, ông bình luận gì về chính sách này?
Chính sách trần lãi suất USD bằng 0%/năm Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng từ cuối tháng 9-2015. Nhớ lại thời điểm đó, là lúc đồng Nhân dân tệ phá giá mạnh, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất rất là lớn, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá nghiêm trọng, đã đặt Việt Nam trước những rủi ro.
Nếu thời điểm và bối cảnh đó không có những biện pháp tức thời, với liều lượng mạnh thì chúng ta sẽ rơi vào một tình thế rất khó xử, trong bối cảnh sức cạnh tranh của nền kinh tế chúng ta còn thấp và đang đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Nếu để VND lên giá so với giá trị cạnh tranh thực của nó thì chắc hẳn là xuất khẩu rất khó khăn.
Vậy nên, việc Ngân hàng Nhà nước mạnh dạn dùng một biện pháp hành chính mạnh, kịp thời để quy định lãi suất USD bằng 0%/năm để tạo ra một khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa USD với VND lớn, hỗ trợ cho chính sách tỉ giá.
Tôi cho rằng thành công của chính sách tỉ giá trong quý IV/2015 là nhờ sự đóng góp rất tích cực của quyết định hành chính nhưng táo bạo, kịp thời như thế.
Nhưng chúng ta cũng đều biết, dù vậy người dân Việt Nam vẫn còn kỳ vọng vào sự phá giá của VND, nên tiền gửi ngoại tệ quý IV/2015 đã tăng vọt lên 14%. Tuy lãi suất bằng 0 nhưng họ mong muốn cuối 2015 đầu 2016 VND sẽ phá giá rất lớn.
Đó là tâm lý đầu cơ, một kỳ vọng ở một góc độ nào đó cũng có phần hợp lý. Cho nên, khi chúng ta dùng lãi suất 0% như thế, và duy trì các điều chỉnh ví dụ như áp mô hình cơ chế điều hành tỉ giá mới, thì tỉ giá ổn định.
Dĩ nhiên bên cạnh cơ chế tỉ giá mới thì có yếu tố khách quan là kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế Mỹ khó khăn, nên FED đã không tăng lãi suất tới 4 lần như người ta tuyên bố.
Đó cũng là lý do vì sao trong những tháng đầu năm 2016, người dân Việt Nam đã bán ra một lượng ngoại tệ rất lớn, vì kỳ vọng lớn trước đó đã không xảy ra, và đồng USD đã tiếp tục suy yếu trong 5 tháng vừa qua.
Vậy còn ở tín dụng ngoại tệ, có thể hiểu “bẫy thanh khoản ngoại tệ” ở đây là nhu cầu có, thậm chí cao, mà không vay được, hay nên xem xét nguồn lực này như thế nào, thưa ông?
Bây giờ thì đặt ra câu chuyện, chúng ta cũng cần những nguồn lực ngoại tệ, nhu cầu vay ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp vẫn còn. Đương nhiên là Ngân hàng Nhà nước không đóng chặt hẳn cánh cửa tín dụng ngoại tệ, vẫn còn mở ra với các đối tượng như nhập khẩu xăng dầu, đầu tư ra nước ngoài theo các quy định của pháp luật.
Còn đối tượng xuất khẩu. Đương nhiên họ có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, họ muốn vay ngoại tệ xem như tạm ứng trước một khoản thu ngoại tệ trong tương lai đó. Có lập luận, nhà nhập khẩu cần ngoại tệ thì dễ hiểu rồi, nhà xuất khẩu có cần đâu mà vẫn vay? Lập luận này cũng có lý, anh chỉ vay cái anh cần.
Nhưng, xuất khẩu không cần USD nhưng lại cần giá trị của lượng USD ứng trước đó, họ bán ngoại tệ đó để lấy tiền đồng. Ở đây có bài toán chênh lệch lãi suất giữa vay VND với vay USD, như vậy thì lượng ngoại tệ cũng đi vào hệ thống ngân hàng.
Nhưng lại có ý kiến là doanh nghiệp xuất khẩu lại làm kinh doanh tiền tệ nữa. Chúng ta cần đặt thêm yêu cầu là chính sách luôn hỗ trợ xuất khẩu, nhiều ngân hàng thương mại cũng cho vay VND đối với nhà xuất khẩu lãi suất thấp hơn so với cho vay nhà nhập khẩu.
Cũng là một cách, chuyển hóa đồng USD sang tiền đồng, mà thực chất là cái vốn của doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ là họ muốn tịnh tiến cái tương lai đó về hiện tại thì tôi cho rằng đây là vấn đề cần cân nhắc thêm.
Dĩ nhiên, lượng đổi - chất đổi. Mọi việc phải tính trên một quy mô khối lượng nào đó thì sinh ra biến đổi về chất. Ta đang chống đô la hóa, nay lại cho vay lại ngoại tệ thì có ủng hộ đô la hóa hay không? Nói thế cũng có cái lý nhưng ta thấy với một liều lượng nào đó cho những ngành nghề xuất khẩu là điều hẳn những nhà làm chính sách tiền tệ quan tâm và cân nhắc.
Tôn trọng quyền bảo toàn tài sản
Giả dụ mở lại tín dụng ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi đầu vào vẫn là lãi suất 0% thì quan ngại “bẫy thanh khoản” xét về cân đối trong rủi ro chi trả hiểu như một số quan ngại gần đây thì sao?
Cứ cho bẫy thanh khoản được hiểu theo một cách thức nào đó của một ai đó rằng chúng ta đang gặp khó khăn về thanh khoản, về việc chi trả tiền gửi ngoại tệ của dân, cứ cho là thế, mặc dù tôi nghĩ rằng khái niệm “bẫy thanh khoản” được tiếp cận theo một nội hàm kinh tế, ngoại hối, tiền tệ khác chứ không phải rủi ro khả năng chi trả.
Vậy thì, chúng ta thấy rằng tỉ lệ cho vay ngoại tệ so với huy động không lớn, tỉ lệ này bây giờ tôi nghĩ đâu đó 50-60% mà thôi. Nên tôi không nghĩ các ngân hàng gặp khó khăn vấn đề thanh khoản.
Dĩ nhiên, có một vài lập luận cho rằng đưa lãi suất huy động USD về 0%, thì tất cả các khoản tiền gửi sẽ chuyển về không kỳ hạn. Đó cũng là cái băn khoăn, do dự.
Nhưng, chúng ta cũng đã biết, lãi suất USD từ chỗ rất cao 5-7%/năm nhiều năm trước đã giảm từ từ xuống 0,5%, 0,25% rồi 0%/năm. Độ chênh về sau này không lớn.
Từ đó suy đoán ra, người gửi ngoại tệ không phải gửi vì lãi suất, mà vì trông chờ VND mất giá rất lớn so với USD và bảo toàn tài sản - khẩu vị của họ và chúng ta tôn trọng quyền bảo toàn tài sản đó.
Chỉ có điều, ta thì vẫn còn cho vay ngoại tệ mấy chục năm nay rồi, số dư nợ các doanh nghiệp vay ngoại tệ vẫn còn đó. Cho nên tôi nghĩ các chính sách tiền tệ, về ngoại hối xem xét để làm sao có một sự phân biệt giữa lãi suất tiền gửi USD không kỳ hạn với có kỳ hạn có chênh lệch, dù không lớn.
Nên chăng các loại có kỳ hạn là 0,1%, 0,15%, 0,25%... Phân loại và gia cố vốn ở các kỳ hạn, để hỗ trợ cho sức thanh khoản vững chắc hơn.
Nếu vậy thì đó cũng là sự linh hoạt, khi mà chính sách lãi suất USD 0%/năm với hoàn cảnh và điều kiện ra đời đến nay đã khác đi.