Ngày 16-17/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp. Tâm điểm chờ đợi của cả thế giới là quyết định có tăng lãi suất hay không, nếu tăng thì 0,25% hay bao nhiêu?
Theo TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, câu hỏi trên đã có cả một quá trình, có thể nhìn nhận ở các góc độ khác nhau.
Cuộc hội chẩn sau 7 năm
Theo cách nói chuyện của chuyên gia Trương Văn Phước, cái “ông FED” ở bên kia bán cầu họp, vậy mà ở Việt Nam nhiều người phập phồng. Đương nhiên.
Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ có đồng USD có ảnh hưởng toàn cầu. Đó là đồng tiền có tư cách lớn trong thanh toán thương mại, đồng tiền định giá, đồng tiền dự trữ. Cuộc họp có ảnh hưởng với nó, dĩ nhiên nhiều người quan tâm.
Nhưng hơn hết, đó là cuộc hội chẩn sau 7 năm.
Từ năm 2008, kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng. Mỹ đã sử dụng nhiều biện pháp để cứu chữa, ở mức độ nào đó cũng góp phần cứu chữa nền kinh tế thế giới. Bằng toa thuốc nào, loại thuốc gì? Đó là đưa tiền ra thật nhiều, trợ cấp, cứu trợ cho các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp… Từ đó kéo theo các nước châu Âu cũng phải xử lý các căn bệnh của nền kinh tế mình.
Bên cạnh việc đưa tiền ra thật nhiều, FED hạ lãi suất thật thấp để tạo chi phí vốn rẻ để mọi người, mọi nhà có thể tiếp cận chi phí đó rất thấp, để tạo ra sức sống mới, mạnh mẽ hơn để phục hồi nền kinh tế.
Đến nay, trong cái bệnh viện của hậu khủng hoảng, bệnh nhân mang tên kinh tế Hoa Kỳ đã có những dấu hiệu hồi phục. FED họp, tập hợp các giáo sư, bác sĩ để hội chẩn và đưa ra quyết định có điều chỉnh đơn thuốc và liều lượng hay không.
Từ 2008, đến nay đã 7 năm ròng. Nếu người bệnh khỏe lên rồi mà cứ tiếp tục uống thuốc thì lại phản tác dụng. Các bác sĩ phải theo dõi từng ngày từng giờ để điều chỉnh.
FED đóng vai trò là một nhóm bác sĩ, có sứ mệnh theo dõi sức khỏe nền kinh tế Mỹ, kể đơn, cho thuốc. Tất nhiên, họ còn phải theo dõi các nền kinh tế khác nữa như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…, vì sự liên thông và chu chuyển của dòng vốn trên thế giới không giới hạn trong khuôn khổ nước Mỹ.
Tín hiệu hơn là con số
Theo chuyên gia Trương Văn Phước, cái hay của FED là họ đưa ra quyết định dựa trên hội đồng, bằng các phiếu thành viên, chứ không cho “xuất viện” theo lệnh của một trưởng khoa nào đó.
Thứ nữa, họ cân nhắc thận trọng từng chỉ báo của nền kinh tế. Như với bệnh nhân là nhịp tim, huyết áp… Vậy nên, lẽ ra quyết định về lãi suất đã được FED đưa ra từ phiên họp hồi tháng 6/2015, nhưng họ đã rất cân nhắc. Bởi như thế nào được xem là hồi phục và chỉnh toa, bớt thuốc?
Mới rồi, tăng trưởng kinh tế Mỹ công bố 3,7%, theo TS. Phước, đã làm ngỡ ngàng các thị trường. Lạm phát có chiều hướng tăng lên và đi vào mục tiêu 2%. Cũng như người bệnh, khi hồi phục và bước nhanh hơn thì nhịp tim hoặc hơi thể mạnh lên.
Nhưng, các giáo sư, bác sĩ của FED lại rà soát thêm chỉ báo về thất nghiệp và việc làm. Từ hồi xảy ra khủng hoảng, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 10%, nay đã giảm xuống còn 5,1%.
Chưa đủ, nếu tháng 8/2015 trở về trước bình quân mỗi tháng họ tạo được việc làm cho 220.000 người, nhưng vừa rồi chỉ 173.000 người. Sự sụt giảm này thêm vào cuộc họp ngày 16-17/9 này những tính toán.
Với những diễn giải trên, chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng, điều đáng chờ đợi hơn, giá trị hơn ở cuộc họp của FED là tín hiệu, chứ không hẳn là con số 0,25% hay 0,5% nếu quyết định tăng lãi suất.
“Tăng hay giảm lãi suất ở cuộc họp đó không quá quan trọng. Điều quan trọng hơn là người ta đang xem hội đồng y khoa này bình luận thế nào về sức khỏe bệnh nhân, và điều đó tác động đến toàn thế giới. 0%, 0,25%, hay con số nào đó chưa hẳn là cái gì, nhưng nó là giá trị tín hiệu”, ông Phước nói.
“Vốn sẽ ở lại Việt Nam”
Trong bệnh viện của các nền kinh tế sau khủng hoảng, Việt Nam cũng có tên, cũng liên quan. Việt Nam đã hội nhập, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhanh qua các năm, nợ nước ngoài cũng không ít, vốn vào cũng nhiều, nên cũng phải canh chừng cuộc họp này.
Ngày 19/8 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định điều chỉnh kép tỉ giá, trên nền dự tính ảnh hưởng từ cuộc họp và khả năng FED nâng lãi suất.
Nhưng theo ông Trương Văn Phước, Việt Nam có những đặc điểm mà chúng ta không quá lo ngại.
Việt Nam là một nền kinh tế mở cửa, hội nhập, đang phát triển và cần một tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu sử dụng vốn lớn. Các dòng vốn vào Việt Nam có lợi ở một nền kinh tế có chênh lệch lãi suất cao, đã kiềm chế được lạm phát ở mức thấp, tỉ giá hối đoái tương đối ổn định và đặc biệt là vĩ mô ổn định.
Riêng về tỉ giá, ông Phước cho rằng, vì thị trường đã quen với sự quá ổn định và quá bình lặng những năm qua, chứ còn một nền kinh tế một năm biến động tỉ giá 3-4% là bình thường.
Ông cũng nêu quan điểm, một số quan ngại về tình huống FED tăng lãi suất USD lên, có sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các nền kinh tế để quay ngược lại về Mỹ là đúng, nhưng không đúng với Việt Nam.
“Đương nhiên, có trường hợp công ty này, công ty kia chuyển bao nhiêu vốn này nọ thì không thể loại trừ, nhưng về bản chất tuyệt đại bộ phận vốn sẽ ở lại Việt Nam”, ông Phước dự báo.
Chuyên gia này nhắc lại nhận định và các cơ sở của mình: vĩ mô ổn định, lãi suất ở mức cao so với lãi suất USD, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỉ giá tương đối ổn định, nền kinh tế tăng trưởng đang cần nhiều vốn…, nên Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến đón nhận sự dịch chuyển của các dòng vốn, thay vì quan ngại có đảo chiều.