xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cách ứng phó khi Mỹ tăng lãi suất USD

THY THƠ

Nhiều người đang lo ngại nếu Mỹ tăng lãi suất USD vào ngày 17-9 sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam

Ứng phó USD tăng giá, thời gian qua, nhiều quốc gia đã chủ động giảm giá trị đồng tiền của mình. Cụ thể, tính từ tháng 9-2014 đến nay, đồng yen (Nhật Bản) giảm 18,5%; nhân dân tệ (Trung Quốc) giảm 4%; đồng đô la Singapore giảm 12,7%; đồng won (Hàn Quốc) giảm 16,9%... và VNĐ giảm 7,6% (số liệu thống kê của các tổ chức tài chính quốc tế). Câu hỏi đặt ra là nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng nghĩa USD tiếp tục tăng giá, liệu đồng tiền của các quốc gia khác có giảm giá thêm?

Áp lực cho tỉ giá

Diễn biến của thị trường tài chính thế giới gần đây cho thấy sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ 4,6% vào giữa tháng 8, lập tức các ngày sau đó, chứng khoán toàn cầu đỏ sàn. Riêng thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 30%, bốc hơi khoảng 5.000 tỉ USD. Tại Việt Nam, ngày 12-8, biên độ tỉ giá tăng từ 1% lên 2% đã tác động mạnh đến giá cổ phiếu. VN-Index từ ngày 12 đến 14-8 giảm hơn 24,2 điểm. Đến ngày 19-8, khi tỉ giá liên ngân hàng (NH) tăng thêm 1%, đồng thời biên độ tỉ giá cũng tăng lên 3% thì ngày 20-8, VN-Index tiếp tục bốc hơi 11,13 điểm. Điều này cho thấy khi các đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá so với USD, thị trường chứng khoán lao dốc ngay lập tức bởi các nhà đầu tư bán tháo hàng hóa, trong đó có cổ phiếu, rồi trú ẩn vào USD để bảo toàn vốn.

Tỉ giá USD/VNĐ sẽ chịu áp lực lớn nếu FED tăng lãi suất Ảnh: TẤN THẠNH
Tỉ giá USD/VNĐ sẽ chịu áp lực lớn nếu FED tăng lãi suất Ảnh: TẤN THẠNH

Nếu FED tăng lãi suất, chứng khoán thế giới sẽ rớt giá, tác động đến thị trường tài chính Việt Nam. FED tăng lãi suất cộng hưởng với nhân dân tệ bị giảm giá, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong 8 tháng năm 2015 lên tới 22,3 tỉ USD sẽ tạo áp lực lên tỉ giá VNĐ/USD. Trong bối cảnh đó, nếu tỉ giá tại Việt Nam thiếu linh hoạt sẽ để lại nhiều hệ quả cho nền kinh tế. Ngược lại, xuất khẩu được lợi về giá và nâng sức cạnh tranh sẽ làm cho dự trữ quốc gia ít bị tổn thương.

Chuyên gia tài chính - NH, TS Nguyễn Trí Hiếu, nhận định: “FED có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 9, nếu tỉ lệ lạm phát giữ mức thấp và tỉ lệ lao động thất nghiệp tại Mỹ giảm tiệm cận 5%. Khi đó, các thị trường tài chính trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng”.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB, nếu FED tăng lãi suất trong những tháng tới, sức ép giảm giá VNĐ sẽ tăng lên nhưng sẽ không có sự điều chỉnh tỉ giá quá lớn trong các tháng cuối năm 2015. Bởi lẽ, NH Nhà nước phải cân bằng giữa mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù nhập siêu của Việt Nam đã gia tăng song cán cân thanh toán vẫn ở mức thặng dư, cho phép NH Nhà nước có đủ dư địa để hỗ trợ VNĐ.

Ứng phó theo tín hiệu thị trường

GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) lập luận: “Bất kỳ quốc gia nào cũng có vũ khí khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, như thông qua lãi suất, ưu đãi thuế… Tuy nhiên, các chính sách này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế và làm méo mó các hoạt động kinh tế. Giải pháp hữu hiệu nhất không gì khác ngoài việc các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng và hoạt động tiếp thị của mình”.

GS-TS Trần Ngọc Thơ cho rằng rất khó để trả lời câu hỏi với cơ chế điều hành hiện tại, liệu tỉ giá VNĐ/USD đã hợp lý chưa. Chỉ còn cách “thả” tỉ giá cho thị trường mới biết được thị trường chấp nhận ở mức nào. Dù vậy, nếu tính theo ngang giá sức mua, nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy VNĐ đang định giá thực cao trong mối tương quan với nhiều đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại, mà biểu hiện rõ nhất là vấn đề nhập siêu trong thời gian qua.

Trên thực tế, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng nhanh và đến ngày 24-8, tỉ giá USD/VNĐ chạm trần và thanh khoản xuống mức rất thấp. Các doanh nghiệp tăng cường mua USD, thậm chí mua trước hạn, để dự phòng cho các khoản chi trả trong tương lai, làm nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến. Tuy nhiên, do NH Nhà nước chủ động điều chỉnh tỉ giá và nới biên độ nên tỉ giá đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi. Mặt khác, NH Nhà nước cũng can thiệp thị trường bằng cách bán ra ngoại tệ, lập tức thị trường chuyển biến tích cực và đến ngày 28-8, tỉ giá USD/VNĐ trên thị trường liên NH đã xuống mức 22.460 đồng/USD, thấp hơn tỉ giá trần gần 100 đồng/USD. Như vậy, động thái điều chỉnh “kép” - tăng tỉ giá và nới biên độ cho thấy NH Nhà nước đã đón đầu các biến động của thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, các doanh nghiệp cần lưu ý những hành động của Chính phủ và NH Nhà nước cũng như cách thức can thiệp vào thị trường ngoại hối như thế nào để tự đưa ra dự báo. Nếu từ nay đến cuối năm 2015 không có những cú sốc nào lớn thì kỳ vọng thị trường có khả năng không đi chệch quá xa so với trước đây. “Còn nếu FED tăng lãi suất USD sẽ tác động đến cả thế giới và mọi thứ đều có thể truyền dẫn vào Việt Nam, phụ thuộc các hàm mục tiêu của NH Nhà nước. Cách ứng phó là doanh nghiệp, nhà đầu tư nên theo dõi thông tin, các dữ liệu kinh tế để từ đó đo lường trước mọi kịch bản có thể xảy ra. Cái khó nhất là tính bất ổn của kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ sắp tới như thế nào là điều không ai biết được” - ông Thơ nói.

 

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước:

Bán ngoại tệ khi cần thiết

Việc nâng lãi suất của FED những tháng cuối năm đã nằm trong kịch bản tính toán mức tỉ giá bình quân liên NH và biên độ được điều chỉnh thời gian qua. Do đó, tỉ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước, không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016.

Để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, trong thời gian tới, NH Nhà nước tiếp tục sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết, kết hợp các biện pháp và công cụ chính sách như điều tiết các mức lãi suất liên NH, chỉnh sửa một số quy định về giao dịch, cho vay ngoại tệ…để hỗ trợ thanh khoản, giảm áp lực lên cung - cầu ngoại tệ.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn:

Lo sức cạnh tranh giảm

Hiện tại, các hợp đồng xuất khẩu của Garmex đã ký và thậm chí một số hợp đồng xuất khẩu cũng đã có đến đầu năm 2016 nên trước mắt không lo về tỉ giá và cạnh tranh. Nhưng đồng USD tăng giá sẽ là mối lo cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong dài hạn. Nếu FED tăng giá, đồng USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng xấu đến các thị trường truyền thống của ngành như EU, Nhật, do đồng tiền các nước này sẽ mất giá so với USD. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu qua các thị trường đều thanh toán bằng USD, nếu đồng USD mạnh lên làm giá hàng hóa của Việt Nam đến tay người tiêu dùng sẽ đắt hơn và kém cạnh tranh so với đối thủ khác. Chưa kể sức mua từ những thị trường này đang yếu do kinh tế khó khăn.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Agrex Sài Gòn:

Lợi nhuận sẽ “teo” lại

Công ty đang phải cơ cấu lại các hoạt động, đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ để tiết giảm chi phí đầu vào nhằm giảm giá thành, từ đó giảm giá xuất khẩu để tăng cạnh tranh. Nay nếu FED tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên sẽ càng khó khăn cho doanh nghiệp bởi cán cân chênh lệch giữa USD với các đồng tiền euro, yen Nhật giãn rộng. USD mạnh lên đồng nghĩa với việc euro, yen Nhật mất giá. Phía đối tác nhập khẩu từ Nhật, EU, Úc... gần đây đã yêu cầu công ty giãn tiến độ các đơn hàng hoặc giảm giá xuất khẩu để chia sẻ khó khăn với họ. Dự kiến doanh thu, lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí ở một số thị trường chỉ hòa vốn để chia sẻ với khách hàng và giữ thị phần.

Châu Thy - Thái Phương ghi

 

img

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo